Núi Cấm (An Giang)
Nếu bạn có dự định đi du lịch đến những vùng đất hoang sơ nhưng hùng vĩ để khám phá vẻ đẹp chân thật nhất từ thiên nhiên thì đừng bỏ qua địa danh núi Cấm (An Giang).
Núi Cấm là một ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn nổi tiếng của vùng đất An Giang thuộc huyện Tịnh Biên còn có tên là Thiên Cẩm Sơn. Gọi là Thiên Cẩm Sơn vì ngoài những danh lam thắng cảnh, núi Cấm còn có môi trường thiên nhiên hấp dẫn, hoa lá bốn mùa tạo nên một bức tranh “cẩm tú sơn kỳ”. Cũng có người cho rằng sở dĩ núi có tên núi Cấm là vì từ thời xa xưa ngọn núi này là nơi âm u, hiểm trở, có nhiều thú dữ nên các quan chức địa phương ngăn cấm không cho người lên núi săn bắn, hái lượm.
Một truyền thuyết khác thì cho rằng: lúc Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải lên đây lánh nạn, nên truyền lệnh cho dân chúng không được lai vãng… Từ đó mới có tên là núi “Cấm”, sách vở ghi là “Thiên Cấm Sơn”.
Có hai con đường lên núi Cấm, một đường mở rộng cho ôtô chạy và một lối nhỏ dọc theo rừng với nhiều ngả rẽ vào chùa chiền, miếu mạo, thắng cảnh... chung quanh. Mặc dù đường lên đỉnh dài hơn 10 km và chỉ tốn vài chục ngàn là bạn có thể thuê xe ôm đưa lên đến đỉnh núi nhưng như vậy sẽ mất đi sự thú vị để khám phá khu du lịch sinh thái này thì còn gì cảm giác của kẻ đi chinh phục thiên nhiên?
Hầu hết khách mộ đạo, hành hương thường chọn đi con đường ven rừng gập ghềnh, chật hẹp nhưng dốc không cao như để thử thách sức lực và đôi chân của mình hòng tìm thấy sự thú vị trong lúc từ từ tản bộ và hòa mình với không gian yên tĩnh, mát mẻ từ thiên nhiên.
Khi thoát khỏi con đường mòn, cây cối thưa dần gần đến đỉnh núi, du khách sẽ thấy xuất hiện trước mắt mình là tượng đài đức Phật Di Lặc cao vút tưởng chừng vươn tới tận trời xanh. Thật tuyệt vời và hùng vĩ làm sao khi giữa chốn thâm sơn cùng cốc, địa hình phức tạp như vậy mà người ta có thể xây dựng một tượng đài cao và nghệ thuật đến như vậy! Nghe kể để hoàn thành bức tượng Phật sinh động này các nghệ nhân đã thi công trong một khoảng thời gian dài suốt ba năm.
Quay sang phía tây, kề bên vách núi là chùa Vạn Linh nổi tiếng cổ xưa, nay là một quần thể kiến trúc tôn giáo đồ sộ với sự góp công, góp sức của các kiến trúc sư, nghệ nhân... tài giỏi hài hòa với cảnh quan chốn núi rừng. Ngôi Chùa đã gây nên ấn tượng mạnh với khách tham quan bởi ngôi bảo tháp cao 40m gồm bảy tầng, mỗi tầng trưng bày một tượng Phật cưỡi mãnh thú cao trên 2m bằng đá Thanh Hóa được điêu khắc cực kỳ tinh xảo.
Núi Cấm giờ còn được gọi là “Đà Lạt thứ hai” nhờ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và trở thành một khu du lịch tuyệt vời. Vào mùa xuân, khí hậu trên núi rất mát mẻ, trong lành, cây cối xanh tươi, sản vật dồi dào. Khi tiết trời trở về đêm, khí hậu trên núi hơi lành lạnh, sáng sớm sương trắng lại phủ đầy, du khách sẽ thấy mây chiều là đà vương đầu núi rất đẹp cộng với quang cảnh hoang sơ kỳ bí là cho du khách có cảm giác như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Tuyệt vời nhất là khi đứng trên đỉnh núi từ trên cao, du khách sẽ được dịp nhìn thấy toàn cảnh những cánh đồng lúa mênh mông trải dài đến tận vùng biển Hà Tiên và biên giới Tây Nam.
Lên núi Cấm, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh của núi rừng Tây Nam, du khách sẽ còn có dịp thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại xoài núi, mít núi, chuối, sầu riêng, bơ và mảng cầu núi và dừng chân nơi các quán võng tha hồ nghe tiếng suối róc rách hoặc ngủ đêm tại các quán trọ để bỏ lại sau lưng những âm thanh ồn ào và náo nhiệt của chốn phồn hoa đô hội. Cư trú trong những khu nhà trọ mang đậm chất dân dã này, bạn sẽ được tận hưởng sự tĩnh lặng của núi non, lắng nghe hơi thở của núi rừng và cũng để cảm nhận được cái không khí lành lạnh của màn sương mỏng bàng bạc, bao phủ quanh triền núi.
Đến núi Cấm rồi bạn sẽ thấy tiếc lắm, tiếc vì bạn đã khám phá ra một vùng du lịch sinh thái heo hút tuyệt đẹp ở Đồng bằng sông Cửu Long này quá muộn màng. Và một khi đã đến đây rồi, bạn sẽ càng luyến tiếc không muốn rời… Thế mới thấy đất nước Việt Nam ta có rất nhiều cảnh đẹp tiềm ẩn để thêm tự hào về cảnh đẹp sinh thái hoang sơ nước ta trước bạn bè thế giới.
Vietbalo - Tổng hợp
Không có nhận xét nào