Khu du lịch Núi Sập (An Giang)
Thuộc địa phận huyện Thoại Sơn, cách thành phố Long Xuyên chừng 29km theo đường tỉnh lộ 943, khu du lịch Núi Sập gồm cụm nhiều núi đã tạo nên cho An Giang thêm phần độc đáo về danh thắng. Mặc dù không còn nguyên sơ nhưng khu du lịch Núi Sập vần còn đó nét đẹp hoang dại.
Trong một thời gian dài, điểm núi Sập đã bị khai thác đá khá triệt để, phần thân và cả chân núi bị khoét sâu, đến độ nhiều người đã nghĩ đến sự đổ sập của ngọn núi trong một tương lai không xa đúng như tên gọi “tiền định” của nó (!). Cũng may chính quyền địa phương kịp nhận ra nguy cơ biến mất ngọn núi, một nguồn tài nguyên quý giá gắn với công lao mở cõi của Thoại Ngọc Hầu, đã cho đình chỉ việc khai thác đá nhưng hậu quả để lại cũng thật nhức nhối: bao quanh dưới chân núi là một vực sâu bị đào khoét nham nhở, rộng thênh thang với độ sâu đến hàng chục mét.
Từ thực tế đau lòng đó, ý tưởng làm du lịch đã nảy sinh như một giải pháp tình thế mang ý nghĩa hàn gắn, giao hòa với thiên nhiên. Ngay từ năm 2000, huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang đã có kế hoạch cải tạo, biến vùng núi Sập thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn nhằm phong phú hóa và làm mới hình ảnh du lịch địa phương. Xuất phát từ hiện trạng có sẵn, những nhà thiết kế đã cho đục khoét tạo ra những ngóc ngách ăn thông qua phía bên kia núi, mở rộng những chỗ dừng chân phía bên trong lòng núi, đồng thời dẫn nước vào vực đá tạo thành những hồ nước nhân tạo với những đường nối liên thông…
Tại sườn phía Tây của núi Sập, đã hình thành các hồ số 1, hồ số 2 và hồ Ông Thoại, thông nhau bằng các đường hầm xuyên núi và hang núi Sập. Du khách có thể xuôi thuyền trong lòng núi mát lạnh với cảm giác khám phá thật thú vị… Từ Tây sang Đông qua phía bên kia núi, du khách còn được dịp tiếp cận với nhiều đảo đá nhỏ giữa lòng hồ thật đẹp với nhiều cây xanh và dự kiến có cả những cư dân khỉ được nuôi thả trong điều kiện tự nhiên bán hoang dã.
Dự án khu du lịch núi Sập cũng đã bổ sung nhiều hạng mục như hệ thống cầu ra các đảo, xây dựng phiên bản chùa Một Cột, dựng tượng Thoại Ngọc Hầu cao gần chục mét trên một ốc đảo ngay mặt tiền hồ Ông Thoại (là quà tặng của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam, quê hương ông)…
Bên cạnh đó, hệ thống đường lên núi cũng được mở rộng để du khách có thể đến thăm Pháo Đài, Cây Da, Hang Dơi cùng một số công trình chùa chiền khác như Linh Sơn tự, tịnh xá Pháp Hoa với pho tượng Phật Di Lặc cao 8m nằm trong công viên, Duyên Phước tự là ngôi chùa đẹp nhất và có vị trí cao nhất trên đỉnh núi Sập…
Trong nỗ lực tạo thêm nét nhấn nhá cho khu du lịch núi Sập, trong thời gian đầu một số tượng đá như nữ thần Siva, hình tượng Linga và Yony, tháp Ponagar… được bố trí quanh hồ hay trên các đảo nhỏ nhô lên giữa hồ gợi nhớ vương quốc Phù Nam xưa với nền văn hóa Óc Eo đã một thời tồn tại, tạo nên một không gian nhuốm màu cổ tích, vừa xa lạ lại vừa gần gũi thân quen. Các tượng này được các nghệ nhân vùng Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng tác tạo và là quà tặng của chính quyền quận Sơn Trà – Đà Nẵng, quận kết nghĩa với huyện Thoại Sơn.
Khu du lịch núi Sập sau cải tạo đã trở thành vùng cảnh quan độc đáo của tỉnh An Giang với hồ nước nhân tạo lớn nhất vùng Tây Nam bộ, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình, được ví như tiểu Hạ Long giữa vùng đồng bằng sông nước Cửu Long… Nhằm khai thác hữu hiệu lợi thế cảnh quan nơi đây, một khu vui chơi giải trí đã được hình thành ngay mặt trước hồ Ông Thoại, với tên gọi chính thức là “Khu du lịch hồ Ông Thoại”. Du khách đến đây có thể bơi thuyền trên mặt nước hồ trong xanh nhìn rõ những đàn cá bơi lượn tung tăng, khám phá cảnh đẹp của núi non hay tham gia những trò chơi thú vị như đạp vịt, đi xe lửa cao tốc… Tại cạnh cổng vào khu du lịch có một nhà lục giác, trưng bày bức thư pháp với 108 vần thơ lục bát đề cao những điều thiện và sự hành thiện, với kỷ lục có nhiều chữ “Tâm” nhất Việt Nam.
Khu du lịch núi Sập còn mang trong mình nhiều dấu ấn của một thời mờ cõi hào hùng. Để đánh dấu công trình đào kênh Đông Xuyên (Thoại Hà) năm 1818, Thoại Ngọc Hầu đã cho soạn bài minh khắc vào bia đá, long trọng dựng bia và khánh thành miếu thờ Sơn thần trên triền núi Sập vào năm Minh Mạng thứ ba (1822). Về sau miếu Sơn thần được đổi thành đình thần thờ Thoại Ngọc Hầu. Du khách đến đây có thể tìm lại dấu xưa nơi đền thờ “Ông Thoại”, với tấm bia Thoại Sơn cao 3 mét, rộng 1,2 mét, dày hơn 20cm, khắc chạm 629 chữ Hán ghi lại việc đào kinh Đông Xuyên, cuộc đời làm quan và Nam chinh của Thoại Ngọc Hầu, được vua ban đặt tên núi mang tên ông – Thoại Sơn. Hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng và ngày 10 tháng Ba âm lịch, người dân khắp vùng tứ giác Long Xuyên đổ về đền Thoại Sơn tham dự lễ hội, tưởng nhớ Thoại Ngọc Hầu và bao vị tiên liệt đã có công khai hoang mở cõi.
Đáng tiếc là theo thời gian, tại khu du lịch Núi Sập này, do chạy theo nhu cầu thời thượng với những thị hiếu “màu mè” và dễ dãi, nhiều công trình hay cụm tượng đã được bổ sung không theo một chủ đề hay qui hoạch nhất quán, như cụm tượng bốn thầy trò Đường tăng gặp nạn thứ 82 trên triền núi Sập, cụm tượng Mai An Tiêm trồng dưa hấu được đặt trơ trụi giữa nền gạch của sàn ngắm cảnh… đã biến khu du lịch núi Sập thành một quảng trường triển lãm hỗn tạp… Hy vọng giới hữu trách sẽ có những điều tiết hợp lý để khu du lịch núi Sập ngày càng phát huy lợi thế, không chỉ dừng lại ở một khu vui chơi giải trí đơn thuần mà còn là một điểm đến văn hóa, với nhiều giá trị lịch sử và tâm linh
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào