Header Ads

Header ADS

Đại Nội- Huế


Nằm ở bờ Bắc dòng sông Hương thơ mộng, Kinh thành Huế được xây dựng trên một mặt bằng diện tích hơn 500ha, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, được gọi chung là Đại Nội. Đây là trung tâm hành chính, chính trị của triều đình nhà Nguyễn và là nơi sinh hoạt của nhà vua và hoàng gia. Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1993.

Từ thế kỷ XVI, do biến động lịch sử của dân tộc, nên trong nhiều cộng đồng người Việt, người Chăm và các dân tộc khác đã diễn ra một làn sóng di dân liên tục mà tiêu biểu là cuộc "Nam tiến" lớn nhất do chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ trên đất Thuận Hoá năm 1558.

Trên nền tảng vật chất và tinh thần đã được hình thành ở Huế từ đầu thế kỷ XIV, các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI-XVIII), triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) và các vua Nguyễn (1802-1945) đã tiếp tục phát huy và gây dựng ở đây một tài sản văn hoá vô giá. Tiêu biểu nhất là Quần thể di tích Cố đô Huế đã được ghi vào danh mục Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO.



< Cửu Đỉnh đặt ở trước Hiển Lâm Các.

Hệ thống Đại Nội Huế

Hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền nhà Nguyễn là ba tòa thành: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.

Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh...


< Cổng Ngọ Môn, một trong những biểu tượng của Cố đô Huế.

Ðại Nội, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau với các chức năng khác nhau. Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất.

Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với mỗi chiều xấp xỉ 600m, có 4 cổng ra vào với cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Trong đó, độc đáo nhất và thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô là Ngọ Môn, khu vực hành chính tối cao của triều đình nhà Nguyễn. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.



Những khu vực trọng yếu của Hoàng Thành bao gồm: Khu vực phòng vệ, Khu vực cử hành đại lễ, Khu vực miếu thờ, Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua, Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí... Ngoài ra, còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia.

Khu vực quan trọng và rộng lớn nhất là Tử Cấm Thành xây dựng gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 300m, vòng tường chung quanh cao 3,5m. Trong khu vực này có gần 50 công trình kiến trúc, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi), lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung)…

Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm.

Tuy quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm”, hay còn gọi là “trùng thiềm điệp ốc” – kiểu nhà kép hai mái trên một nền, đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc hoàng lưu ly (nếu có màu vàng). Các cột được sơn thếp theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời.

Hoàng Thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong là khu vực cực kỳ trọng yếu, được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”. Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian).

Bảo tồn công trình kiến trúc triều Nguyễn



Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Công trình Đại Nội Huế biểu hiện sự kết tinh về thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức, về sự giao cảm giữa thiên nhiên, môi trường và con người. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được coi là việc làm cấp thiết. Bảo tồn di tích kiến trúc nhằm hướng đến giữ gìn, bảo lưu và chuyển giao một cách toàn diện, đầy đủ và chân xác các giá trị hữu hình và vô hình của tài sản văn hoá kiến trúc cho thế hệ mai sau.



Kể từ khi được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trùng tu, phục hồi được 132 công trình, hạng mục di tích tiêu biểu. Trong đó có Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng); điện Hoà Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), chùa Thiên Mụ, cung An Định, các cổng của kinh thành Huế...



Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa... Nhờ vậy, trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.

Bên cạnh việc trùng tu, bảo tồn kiến trúc, gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai thêm nhiều hoạt động văn hóa tại Khu di tích Đại Nội Huế.

Du khách có thể tham gia đêm Hoàng cung được tổ chức định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần. Toàn bộ khung cảnh Đại Nội ngập tràn ánh sáng, tái hiện lại những họat động văn hóa nghệ thuật độc đáo của cung đình xưa. Trong đó nổi bật có lễ Đổi gác tại Ngọ Môn diễn ra từ 09h00 đến 09h30 hàng ngày. Hoạt động văn hóa mới này sẽ nhằm giới thiệu đến với du khách một trong những nghi thức trong triều đình xưa, đồng thời tạo điểm nhấn du lịch mới.



Cùng với lễ Đổi gác, các hoạt động khác như biểu diễn Đại nhạc tại sân Thế Miếu từ 09h00 đến 11h00 (sáng) và 14h30 đến 16h30 (chiều), hay biểu diễn Tiểu nhạc tại điện Thái Hòa từ 08h00 đến 10h30 (sáng) và từ 14h00 đến 16h00 (chiều) cũng được tổ chức hàng ngày.

Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, nhưng với tư cách là tài sản vô giá của dân tộc, là thành quả lao động của hàng vạn người trong suốt một thời gian dài, Khu di tích Đại Nội vẫn luôn là một công trình lịch sử minh chứng cho sự tồn tại của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Theo Thanh Thủy (Quehuong online)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.