Ô Tà Sóc (An Giang)
Ngọa Long Sơn (có nghĩa con rồng nằm), là tên chữ của núi Dài. Đây là ngọn núi thuộc dạng núi dốc, được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt nên núi có độ cao 554m (có nơi ghi 580m) và độ dốc lớn trên 25 độ.
Đá trên núi phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau gồm đá núi lửa và đá granditoit có tuổi Jura thượng, đá granite có tuổi Creta. Con rồng nằm này dài khoảng 8.000m, dài nhất trong dãy Thất Sơn, nằm dọc theo Tỉnh lộ 955B, chiếm một diện tích rộng lớn thuộc 4 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Trên núi có nhiều loại gỗ quý như dầu, căm xe, lăng ổi, bời lời, quế, gõ mật, nính... tạo thành rừng rậm, là nơi trú ngụ của một số loài chim muông và thú rừng, như: nai, mang, heo rừng, trăn, rắn, gà rừng...
Tại đây có một địa danh gọi là Ô Tà Sóc, có nghĩa là suối Ông Sóc. Đây là chốn sơn lâm hiểm trở, được Tỉnh ủy An Giang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước chọn xây dựng làm căn cứ, gọi là Căn cứ Ô Tà Sóc.
Để tham quan Căn cứ Ô Tà Sóc, từ Tỉnh lộ 955B vào chân núi lên địa danh này là con đường nhựa nhỏ dài 2,5km, nhiều nơi tróc lở lởm chởm. Con đường với hai bên là bạt ngàn những cánh “rừng” tầm vông chạy liên tiếp tạo cảnh quan rất ngoạn mục. Lẩn trong màu lá tầm vông mùa khô màu vàng xanh là những tán lá xoài, mít, đào lộn hột... xanh biếc.
Ngã ba ngay bên chân núi đi thẳng có con đường đất nhỏ dẫn lên đồi Ma Thiên Lãnh (còn gọi Bụng Ông Địa). Từ ngã ba này quẹo phải, theo con lộ nhựa chừng năm trăm thước là đến chân núi, nơi có bến chợ bán trái cây Ô Tà Sóc (ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn). Bến Ô Tà Sóc tọa lạc giữa nhiều bóng cây râm mát, ngay con đường bậc thang dẫn lên núi. Con đường quanh co ẩn mình trong rừng cây râm mát. Đi xuyên rừng, lúc nào cũng nghe tiếng chim ríu rít. Mùa hè tiếng ve rền vang không dứt như ru ta vào giấc mộng viễn hoài về một thời kỳ đấu tranh khốc liệt của quân dân An Giang anh hùng.
Căn cứ Ô Tà Sóc được Tỉnh ủy An Giang xây dựng từ năm 1962 đến năm 1967 trên ngọn núi Dài với các cơ quan trực thuộc, như: quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ đóng rải rác trong các “lò ảng” (hang động). Các hang động có đường mòn trên núi nối liền nhau, từ Bụng Ông Địa (tổ giao liên Tỉnh ủy) đến Ô Vàng (Ban An ninh binh vận, đài minh ngữ), Vồ Út Mười (Ban chỉ huy Quân sự tỉnh trọng tâm là Điện Trời Gầm - nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy - với bán kính khoảng 3 cây số.
Ưu điểm của những hang động trên Ô Tà Sóc là rất hiểm trở và chắc chắn, đặc biệt chứa được rất nhiều người. Nhìn cảnh quan kỳ vĩ của chốn núi non, không du khách nào không bật thốt lời tán tụng thiên nhiên đã khắc tạo nên những tác phẩm hùng tráng trên nền đá granite. Đến đây mới thấy rằng, các hang động là nơi trú ẩn, tránh đạn pháo, ngăn chặn hữu hiệu những đợt tiến quân của địch với hỏa lực hùng hậu, cũng vừa tiến công địch một cách lợi hại.
Trong chiến tranh, địch đã tổ chức hơn 365 trận càn quét lớn nhỏ với mọi phương tiện chiến tranh lên Căn cứ Ô Tà Sóc nhưng hoàn toàn thất bại. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo quân và dân tỉnh nhà tấn công tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phỉ ở vùng rừng núi ven biên, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến, kiên cường phá tan hệ thống “ấp chiến lược”, góp phần đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy.
Đến Ma Thiên Lãnh hôm nay, du khách sẽ nghe kể sự hy sinh của 7 chiến sĩ. Năm 1969, khi đó Tỉnh ủy An Giang đã rút đi, Ma Thiên Lãnh được tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực Miền trú đóng. Một hôm, máy bay địch ném bom đánh sập cửa hang, 7 chiến sĩ bị kẹt trong đó. Khói bom tan, các chiến sĩ cùng đơn vị tìm cách mở miệng hang nhưng lực bất tòng tâm. Để giúp 7 chiến sĩ cầm cự chờ phương cứu thoát, anh em đã tiếp lương thực cho 7 chiến sĩ trong hang bằng cách dùng ống tre đưa cháo và sữa vào. Mấy ngày sau, địch tiến đánh đồi Ma Thiên Lãnh một cách ác liệt, đơn vị đành rút lui về rừng U Minh. Vậy là số phận 7 chiến sĩ của đơn vị vĩnh viễn nằm lại trong hang.
Chiến tranh kết thúc, thắng lợi thuộc về ta, vào ngày đại thắng 30/4/1975. Nhưng ta vẫn luôn đau đáu nhớ đến sự hy sinh của 7 chiến sĩ kẹt trong hang, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã tiến hành phá cửa hang. Với phương tiện tương đối tốt, vậy mà phải mất đến 24 ngày làm việc cật lực, chiều ngày 8/7/2007, cửa hang mới được mở, hài cốt 7 chiến sĩ hy sinh đã được an táng long trọng. Hiện nay, trên ngọn đồi cao 80m này có tấm bia kỷ niệm, bên dưới bia là bàn thờ 7 liệt sĩ.
Đến Ô Tà Sóc, đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt nhìn một vùng xung quanh bên dưới đẹp như bức tranh thủy mặc, với nào nhà cửa, vườn cây, ruộng nương xanh ngút mắt, cùng những con đường liên thôn, liên ấp chạy xuyên qua những hàng cây như những mạch máu nối liền nhau bất tận. Cảnh đẹp đến nao lòng khi nghĩ về sự hy sinh quả cảm của các chiến sĩ ta trong những tháng ngày lửa bom ác liệt trong kháng chiến vừa qua.
Du lịch, GO! - Theo Tin tức Du lịch, Ditich Lichsu QG...
Không có nhận xét nào