Header Ads

Header ADS

Lăng Thoại Ngọc Hầu-Điểm du lịch An Giang

Lăng Thoại Ngọc Hầu là một công trình đồ sộ, kiến trúc nghệ thuật đẹp cổ kính, tọa lạc tại chân núi trong cụm di tích núi Sam, thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Lăng được xây dựng và hoàn thành vào cuối những năm 1820, do chính ông đứng ra chỉ huy thi công. Nơi đây, vừa là lăng mộ vừa là nơi thờ phượng Thoại Ngọc Hầu – người có công khai mở miền Nam và trấn thủ đồn biên phòng cho Tổ quốc. 





Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại sinh năm Tân Tỵ (1761), mất năm Kỷ Sửu (1829) thọ 68 tuổi, được phong tước Hầu. Ông người huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, được triều đình nhà Nguyễn cử vào khai phá và trấn giữ An Giang đạo và ông đã gắn bó mật thiết với vùng tứ giác Long Xuyên qua các kỳ công:
- Khai sơn khẩn đất, tập hợp lưu dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, cù lao Biên Hòa về các vùng Ông Chưởng (Chợ Mới), Núi Sập (Thoại Sơn), Châu Đốc, Long Xuyên…
- Tổ chức đào kinh Thoại Hà, khởi công từ năm 1818, sau hơn hai tháng đã hoàn thành, huy động hơn 2000 sưu dân, với chiều dài 31.744m và kinh Vĩnh Tế (từ Châu Đốc tới Hà Tiên) khởi đào từ năm 1819 đến năm 1824 huy động hơn 80.000 sưu dân, dài hơn 90km.
Sau khi việc đào kinh hoàn tất, Thoại Ngọc Hầu cho vẽ bản đồ và báo cáo về triều đình Huế, được vua khen ngợi ban sắc chỉ cho lấy tên người mà đặt cho tên sông là Thoại Hà (sông Thoại) và lấy vợ chánh ông là Vĩnh Tế đặt cho kinh (kinh Vĩnh Tế). Ngoài công trình đào kinh, ông còn đắp nhiều con lộ giúp cho giao thông qua lại dễ dàng hơn.
Chính công lao to lớn này mà lâu nay khi nhắc đến ông người ta thường chỉ nhắc tới việc ông đào Thoại Hà và Vĩnh Tế hà chứ ít người biết được rằng trước đây hàng thế kỷ, ông đã tích cực khai hoang để biến cải những vùng hoang vu, rừng rậm trở thành nơi dân cư đông đúc. “…bên kia quận Vũng Liêm, thuộc tỉnh Vĩnh Long bây giờ, một Cù Lao Dài 17 cây số, ruộng vườn thạnh mậu, dân cư sung túc, lại chính là một nơi mà 150 năm trước đây, Thoại Ngọc Hầu đã di dân lập ấp, dựng thành xã thôn?”1.
Nói về sự trù phú của Cù Lao Dài sau khi được Thoại Ngọc Hầu khai phá, quy dân lập ấp, Trịnh Hoài Đức đã viết trong Gia Định thành thống chí như sau: Cù Lao Dài “ở hạ lưu sông lớn Long Hồ, chu vi 30 dặm, gồm 5 thôn Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Nơi đây vườn nhà dân cư ngay thẳng sạch sẽ, phong thủy thanh tú; có những cây thủy mai đơm sắc ngọc, hương toán phơi màu vàng, đáng gọi là nơi giàu có nhàn tĩnh”2.
Sau các làng kể trên, Thoại Ngọc Hầu đã mở mang một số thôn cư bên chân núi Sập. Năm 1818, ông lại phát động công tác đào kinh Đông Xuyên, thông qua Rạch Giá. Khi con kinh đào xong, dân cư tụ về càng đông. Từ chỗ hoang vắng, vượn hú chim kêu nay trở thành một khu dân cư trù mật, đất đai màu mỡ, cỏ cây xanh tốt… Từ đó, người ta đặt tên làng là Thoại Sơn để ghi nhớ công ơn của người khai thác.

“Năm 1821, khi Thoại Ngọc Hầu đến án thủ Châu Đốc, ông lại nỗ lực khai thác biên cương. Tất cả những cỏ cây rậm rạp quanh bờ Hậu Giang chạy dài theo kinh Vĩnh Tế thẳng đến núi Sam, đều được ông cho khai phá. Hoài bão của ông là phải làm sao cho nước giàu dân mạnh, có trật tự an ninh và nhất là phải biến rừng hoang thành thôn xóm. Chính những mơ ước này đã được Thoại Ngọc Hầu thổ lộ trong bia Vĩnh Tế sơn:
Lão thần Thoại Ngọc Hầu vốn lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên, kiêm quản gìn giữ đồn Châu Đốc, kính dâng thánh thượng, xem xét sửa sang bờ cõi, nghiêm ngặt đồn thủ, theo ý lời dụ.
Nay dấu văn hiến chung đồng làm một, cửa thành đóng kín an vui, nên muốn cho nơi cỏ hoang bát ngát đều trở nên làng mạc dân chúng đông vầy, có sổ bộ ghi biên, dâu gai đầy nội, khói lửa liên tiếp nhau, cùng với huyện kề bên, đông đúc giàu có như nhau cả”3.
Vì những công lao to lớn của ông đối với vùng đất phía Nam của Tổ quốc nên khi ông mất, Minh Mạng thứ 10 đã truy phong cho ông chức Tráng võ Tướng quân, Trụ quốc Đô thống, thưởng tiền 1000 quan, gấm loại tốt 5 cây, lụa 10 tấm và vải 30 tấm. Con trai ông là Nguyễn Văn Lâm được tập ấm hàm Kị úy.
Trải các triều vua sau, ông đều được sắc phong và ban nhiều danh hiệu cao quý. Vua Khải Định phong cho ông là Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Thôn Thần; còn vua Bảo Đại thì phong Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần.
Ngày nay, du khách đến An Giang du lịch thường nán chút thời gian để ghé sơn lăng thắp vài nén nhang để tạ ơn công đức của tiền nhân. Khung cảnh uy nghiêm của sơn lăng Thoại Ngọc Hầu gợi cho du khách những hoài niệm về người xưa, về công đức của những bậc tiền bối trong công cuộc sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc. Vẻ đẹp bên ngoài của lăng mộ nói lên lòng tôn kính tột độ của nhân dân đối với một bậc khai quốc công thần.
Toàn khu lăng mộ là một kiến trúc hài hòa, duyên dáng được bao bọc xung quanh bởi một bức tường dày và các bậc thang được xây bằng đá ong. Phía trước lăng là khoảng sân rộng, khu chính giữa là mộ của ông nằm giữa mộ hai phu nhân cùng đền thờ. Hai bên là hai dãy mộ vô danh, họ là những người theo ông khai hoang, lập ấp, xây dựng nhiều công trình cho vùng tứ giác Long Xuyên. Sau phần mộ của Thoại Ngọc Hầu là tấm bia Vĩnh Tế sơn được làm bằng đá sa thạch, khắc 730 chữ, được dựng từ năm 1824. Trước Long đình là hai con nai tạc bằng xi măng, điểm xuyết thêm vẻ đẹp của lăng. Hai cửa lớn vào lăng rộng, hình bán nguyệt – kiến trúc theo lối cổ, liền với bức tường kiên cố dày 1m, cao 3m. Sau lăng là đền thờ, trên nền đất cao. Sau lưng đền thờ là vách núi chập chùng, tạo thành bức bình phong kiên cố và hùng vĩ, tôn thêm vẻ cổ kính uy nghi.

Lăng Thoại Ngọc Hầu là một di tích mang nhiều ý nghĩa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thời nhà Nguyễn, là sự kết hợp chặt chẽ giữa thiên nhiên với sức lao động sáng tạo của con người. Vào lăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng di tượng Thoại Ngọc Hầu cao khoảng 2m, cùng những áng văn chương lộng lẫy, với liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế… gợi lại hình ảnh nước non một thời oanh liệt, thuở cha ông đi mở nước, xây dựng nhiều công trình bề thế cho đời sống văn hóa, kinh tế con người thuở ấy và sau này.
Bên trong lăng còn có bài vị ông:
Phiên âm:
“Thống chê án thủ Châu Đốc đồn, lãnh bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, gia nhị cấp ki lục tứ thứ, truy tặng Tráng tướng quân, trụ quốc đô thống, thụy Võ Khắc, Nguyễn Công húy Thoại tôn thần”.
Dịch nghĩa:
Tôn thần của Nguyễn Công, húy là Thoại, thụy là Võ Khắc được truy tặng là Tráng võ tướng quân trụ quốc đô thống được bốn lần gia nhị cấp kỉ lục, là thống chế án giữ đồn Châu Đốc lãnh ấn bảo hộ nước Cao Miên, kiêm giữ việc biên giới trấn Hà Tiên”4.

Hằng năm, vào ngày giỗ ông, nhân dân từ mọi nơi đổ về lăng Thoại Ngọc Hầu để chiêm nghiệm, tưởng nhớ công lao và sự nghiệp của ông.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.