Header Ads

Header ADS

Hòn Chuối (Cà Mau) thăm xóm lá vàng


Người 'lá vàng' là cách gọi những gia đình lấy lá làm nhà, khi nào lá chuyển sang màu vàng là lúc dọn đi nơi khác bởi khu rừng ấy hết cái ăn. Những người dân ở Hòn Chuối, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được gọi như thế.

Con tàu HQ 627 của Vùng E hải quân phải thả neo ngoài khơi để chúng tôi mặc áo phao và chuyển tải vào Hòn Chuối bằng xuồng máy. Trong nắng sớm, Hòn Chuối là một vách đá kỳ vĩ, nổi bật trên mặt biển bao la. Không có nơi cho xuồng đậu, chúng tôi nhảy lên những tảng đá chênh vênh bên bờ sóng. Nơi này được gọi là ghềnh Nồm. Trên ghềnh đá, những căn nhà dựng bằng cành cây và lá rừng bỏ không, đó là "dấu vết" của những "người lá vàng" được nói trong bài viết này.



< Chuyển tải vào Hòn Chuối bằng xuồng máy.


Người dân đầu tiên tôi gặp trên đường leo lên đỉnh Hòn Chuối là má Hai, một người đàn bà độc thân 73 tuổi. Bà sống trong một ngôi nhà tạm bợ dựng bằng nylon và cây lá.
Có người gọi bà là nữ Rôbinxơn (nhân vật Robinson Crusoe trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Daniel Defoe) trên đảo hoang Hòn Chuối.

Năm 1972, bà Hai cùng chồng con vượt biển ra khai hoang. Chồng chết, 9 người con trưởng thành và cưới vợ, lấy chồng trong đất liền, mình bà Hai ở lại, sống cùng hai con chó và một con mèo, trồng chuối, mít trong rừng hoang.

< Những ngôi nhà bình dị nép dưới chân hòn.

Má Hai là một trong vài người "lá không vàng" hiếm hoi ở đây, bởi dù nghèo đến thế nào thì bà cũng đang "định cư", khác với hầu hết người dân Hòn Chuối.



Từ đỉnh núi, theo một khe đá nay trở thành đường giao thông chính của đảo, tôi xuống ghềnh Nam. Những mái nhà mong manh dựng bằng cành cây, quây nylon, lợp lá rừng đang ngả vàng bám trên những tảng đá lớn, dưới chân là lớp lớp sóng biển tung bọt trắng xóa.


Từ ghềnh Nồm, xóm lá vàng mới di chuyển về đây để tránh sóng to vì gió mùa. Mùa gió Nam, lại chuyển sang ghềnh Nồm bên kia đảo. Ngoài nylon che gió, người ta lấy lá móc và cỏ tranh, lau sậy để phủ lên mái nhà. Lá khô úa cũng là khi biển trở gió, lại khuân vác nồi niêu, ván vải sang phía bên kia. Mỗi lần như thế, mỗi gia đình tốn vài ba triệu đồng để mua nylon, dây nhợ từ đất liền, cách 18 hải lý.



< Nhà của cư dân đảo bên ghềnh Nam.


Bên lối đi dốc và gập ghềnh, trong ngôi nhà dựng trên tảng đá nhọn như kim tự tháp, một bà mẹ trẻ đang dỗ con. Cô tên Mơ, 22 tuổi và có hai con, đứa con lớn bốn tuổi ôm trong lòng, đứa sau lên hai ngủ trên võng, mẩu hương muỗi cháy phía dưới.

Ngôi nhà của Mơ không thể tuềnh toàng hơn. Áo quần treo một góc, nồi xoong mắc lên tường nhà bằng nylon, gió thổi va vào nhau lanh canh. Chồng đi câu, không kiếm được lá rừng gia cố thêm, nên cả mái lẫn vách nhà cứ phần phật bay trong gió.



< Cư dân trên Hòn Chuối.


Ở đây không trường học, không bệnh xá, không giếng nước, không nhà vệ sinh. Trước từng có một lớp phổ cập của đồn biên phòng mở nhưng trẻ con không đi học nên đã tan. Hơn 20 cháu nhỏ sinh ra trên đảo, qua tuổi đến trường lâu rồi mà chưa biết chữ.

Nhưng khi đi thăm xóm lá vàng, tôi bất ngờ thấy một cô gái trẻ đang nằm võng và cầm một lúc ba cuốn sổ và hát những bài ca sướt mướt. Cô tên Dung, 19 tuổi và biết chữ nhờ đã học ở lớp tình thương nọ.



< Các en nhỏ trên đảo Hòn Chuối.


Hai phụ nữ bỗng xuất hiện trước hiên, họ lấy trong giỏ xách ra một xấp đồ làm móng tay và hành nghề. Người thợ làm móng là Triệu Cẩm My, con gái ông Chiến.

My bảo cô có khoảng hai mươi khách hàng, cứ làm tới làm lui, hết người này tới người kia rồi... vòng lại. Ở trên hoang đảo, nhưng hầu hết phụ nữ đều sơn móng son. Tuy nhiên, giá một lần làm móng chỉ 10 nghìn đồng.

Trèo lên chiếc thang để lên một ngôi nhà chênh vênh bên sườn đá mà sẩy chân thì có thể ngã thẳng xuống biển, tôi vào nhà ông Triệu Văn Chiến. Người đàn ông mang hai dòng máu Hoa và Khơme này là một trong những người đầu tiên từ đất liền ra đây đã 15 năm. Hòn Chuối nay có 52 hộ dân, hơn 200 khẩu, đa số gốc Cà Mau, Bạc Liêu, đàn ông ra biển câu cá, đàn bà giữ con ở nhà.



< Nguồn nước ngọt duy nhất trên đảo.


"Nước sinh hoạt thì lấy ở đâu?", tôi hỏi. Ông Chiến ngoắc tay đưa tôi lên những vách đá nhọn hoắt phía sau nhà rồi tụt xuống một vực núi sâu thẳm và chênh vênh. Dưới một khe đá hun hút, có những chiếc can nhựa đang xếp hàng. "Nước đó", ông Chiến nói. Năm đầu tiên ra đảo, ông đi khắp nơi tìm kiếm, tình cờ thấy được mạch nước này.

Trong hẻm đá tối om, một cô gái nhỏ đang cầm chiếc ca nhựa múc nước đổ vào can. Mạch nước chảy ra từ đá với lưu lượng khoảng 5 lít một phút. Cả xóm lá vàng trên đảo trông vào mạch nước ấy, các gia đình mang can nhựa và xếp hàng đợi nước. Những ngày biển động, nước biển dâng ngập khe đá này, cả xóm lá vàng nháo nhác vì không có nước ăn uống.



< Trên đảo người dân sống rất đoàn kết và chan hòa.


Buổi trưa, trong bữa cơm ở trạm radar hải quân Hòn Khoai, tôi gặp ông Kim Ngọc Lý, người ở Cái Đôi, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Ông Lý từng ra Hòn Chuối cùng thời với bà Hai để trốn lính. Sau hòa bình, ông về đất liền và mới trở ra sống ở đảo 5 năm nay.



Ông bảo, trừ việc xây dựng đồn biên phòng, trạm radar và hải đăng thì Hòn Chuối vẫn y như thời ông phải trốn vào rừng để tránh người của chính quyền cũ ra đảo bắt lính. Đường chưa có, bể nước không, trạm xá, trường học làm sao mơ thấy. May sao, người dân ở đảo hầu như cũng không ốm đau, có chuyện gì ra quân y trạm radar, đồn biên phòng chữa là đủ.


"Ba năm rồi, năm nào cán bộ nhà nước cũng ra khảo sát, đo đạc, cho nổ cả dưới biển để tìm hiểu địa chất. Nghe nói sẽ có cả đường đi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nhưng lâu rồi vẫn chưa thấy gì", ông Lý nói. Giản dị hơn, những người dân, cả bộ đội, biên phòng, cả nhân viên hải đăng Hòn Chuối chỉ khát khao được Nhà nước làm cho hai cái cầu tàu ở hai bên ghềnh.

Hòn Chuối có cầu tàu thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn vì tàu xuồng có thể ra vào. Có cầu thì những người lính hải quân trên tàu HQ 627 hôm ấy không phải lao mình xuống biển để đẩy xuồng đưa chúng tôi vào đảo. Có cầu, có đường, có bể nước, trường học, trạm y tế... thì Hòn Chuối sẽ không còn là hòn đảo hoang. Và những người dân Hòn Chuối sẽ không phải sống 'đời lá vàng' như thế nữa!

Xem thêm:

Đảo Hòn Chuối nằm trên vùng biển Tây Nam (Vịnh Thái Lan), thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Đảo nằm cách cửa biển Sông Đốc 17 hải lý về phía tây, diện tích khoảng 7km², độ cao gần 170m so với mặt nước biển. Hiện nay, ngoài Đồn Biên phòng 704, Hải quân, Hải đăng và Tổ An ninh tự quản Khóm 1, thị trấn Sông Đốc làm nhiệm vụ trên đảo, Hòn Chuối còn có 43 hộ sinh sống với 179 khẩu.

< Vượt lên khó khăn, những chuyến tàu vẫn đến với Hòn Chuối, thể hiện tình cảm đất liền và đảo xa luôn bền chặt.



Ngư dân trên hòn chủ yếu làm nghề giăng câu, đi biển nên đời sống còn nghèo và bấp bênh. Chỗ ở của người dân cũng không ổn định phải di dời theo mùa, 6 tháng ở ghềnh chướng (sườn Đông), 6 tháng ở ghềnh nam (sườn Tây).


Nước ngọt phục vụ sinh hoạt rất hiếm, chủ yếu là chở từ đất liền ra. Nhằm tạo mạch nguồn nước thiên nhiên trên đảo, hiện tại công tác trồng rừng và bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm ngặt.

Du lịch, GO! - Theo Lưu Quang Phổ (báo Thanh Niên) và nhiều nguồn ảnh khác từ internet

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.