Header Ads

Header ADS

Eo Gió (Quy Nhơn- Bình Định): Độc và lạ


Nằm trên bán đảo Mai Phương (thuộc xã Nhơn Lý, cách thành phố Quy Nhơn, Bình Định khoảng 20 cây số), Eo Gió là một địa danh du lịch mới hấp dẫn du khách. Một vùng eo biển hoang sơ được bao bọc bởi dãy núi kỳ vĩ có hình cánh cung tuyệt đẹp.

< Bãi đá trong vòng cung phía Đông Eo Gió. Trong ảnh, bạn thấy những lối mòn... 

Tên gọi Eo Gió bắt nguồn từ hình dáng địa lý của khu vực này. Đứng trên các mỏm đá nhìn xuống, du khách sẽ thấy một eo biển nhỏ được che chắn bởi dãy núi như một vòng tay ôm gọn bãi biển tuyệt đẹp. 
Trước đây, khu vực này rất biệt lập, được biết đến như một làng biển, và chỉ thu hút những người ưa du lịch mạo hiểm. Từ ngày cầu Thị Nại được xây dựng, Eo Gió nhanh chóng trở thành điểm tham quan đầy hấp dẫn. 



< Quy Nhơn chụp từ núi Vũng Chua. Bên trái là đầm Thị Nại với cây cầu vắt ngang cùng tên, dải đất phía xa là bán đảo Phương Mai với mũi Eo Gió phía Đông - Bắc.

Để đến Eo Gió, phương tiện thích hợp nhất là xe gắn máy. Từ thành phố Quy Nhơn, du khách xuất phát về đầm Thị Nại, qua cầu vượt biển cùng tên để đến Eo Gió. Đây là cung đường lý tưởng cho du khách ưa thích thiên nhiên vì phong cảnh tuyệt đẹp hai bên đường. Từ trên cầu Thị Nại, du khách có thể hướng tầm mắt ngắm một màu xanh bao la của khu đầm này. Băng qua cây cầu là con đường nhấp nhô với đồi cát trắng mịn chạy dài hai bên không dứt.



< Khung cảnh yên bình trên bán đạo Phương Mai.

Dù có nhiều lớp phi lao chắn cát nhưng thỉnh thoảng du khách vẫn chứng kiến được những trận mưa cát từ phía xa xa.
Dulichgo
Nếu chạy xe máy vào những tháng cuối năm, có gió bấc, khách phải mang khẩu trang, kính che mắt, bao tay và phải che chắn cơ thể kỹ lưỡng để khỏi bị những hạt cát rát rạt tạt vào mặt, vào người.



< Nụ cười chân chất của ngư dân vùng biển Eo Gió. 

Cách làng chài gần một cây số, một bên, biển hiện ra mênh mang xanh biếc; một bên là những cồn cát cao. Làng chài nằm ở thôn Bắc, ngay sát rặng đá cao của Eo Gió nên khá bình yên.

Chỉ mùa bấc, biển mới có sóng; còn những mùa khác, biển êm như ru với những con sóng nhỏ lăn tăn. Để được ngắm toàn cảnh làng chài ven biển này, khách phải lên dãy núi đá chắn ở phía Đông rồi di chuyển về cuối dãy núi này theo hướng Bắc. Đi mất khoảng 15 phút, làng chài ven biển chạy dài theo bờ cát hiện ra rất thanh bình. Những mái ngói đỏ lô nhô cao thấp. Những đợt sóng kéo nhau tràn vào bãi như vỗ về, reo ca. 



< Lối mòn ra Eo Gió, ta cứ men theo mà đi... 

Từ đây, du khách tiếp tục theo lối mòn để chinh phục Eo Gió. Nhìn có vẻ không xa lắm nhưng có thể du khách phải mất vài giờ để di chuyển, vừa chụp ảnh vừa thưởng ngoạn. Eo Gió và dãy núi án ngữ bán đảo này như một cao nguyên đá. Đá bám chặt vào nhau. Thế mà vẫn có một số cây bụi và xương rồng cố chen qua những khe hở của đá để vươn lên, phủ những mảng xanh cho dãy đá này. Ở phía Đông là những vách đá dựng đứng trông rất hiểm trở, kéo dài trên 10 cây số. Quanh năm sóng vỗ và mưa gió bào mòn, những vách đá này mở rộng những khe nứt, tạo thành những hang động ăn sâu vào vách đá. Đó là nơi trú ngụ của chim yến. Chúng từ các đảo ngoài khơi di chuyển vào đây sinh sôi, phát triển.



< Chỏm mũi Eo Gió tít ngoài kia, trên này gió lồng lộng. Nếu cứ theo lối mòn, ta sẽ ra tận chóp mũi... nhưng cẩn thận nhé.

Ở nhiều vị trí, du khách có thể nhìn thấy một phần của những hang động này. Nhưng việc tiếp cận chúng bằng đường bộ là bất khả thi. Loài yến quý giá thường chỉ chọn những hang động hiểm trở làm tổ, tránh sự xâm hại của các loài động vật khác. Khi biết được giá trị của chúng, con người bằng cả mạng sống của mình đã mạo hiểm khai thác và hình thành nghề nuôi yến lấy tổ ngày nay. Người dân bán đảo này khấm khá hơn cũng nhờ những hang động đầy chim yến ẩn sau những vách đá dựng đứng.



< Từ trên này nhìn xuống thấy lảng biển Hưng Lương thuộc xã Nhơn Lý, phía xa là bãi cát tít tắp... 

Ngay điểm yên ngựa, phần thấp nhất của dãy núi này, là một bãi biển hình cánh cung. Bãi này rất ít cát. Thay vào đó là bãi đá trứng lớn nhỏ lô nhô nhìn từ xa như một bãi trứng hóa thạch lộ thiên từ thời tiền sử.
Dulichgo
Người dân vùng này gọi đó là bãi Đá Đẻ. Từ bao đời nay, người ta ra đó lấy đá về xây nền nhà, làm đường… nhưng chẳng bao giờ vơi. Cứ như khi con người lấy đi bao nhiêu thì đêm đến đá lại sinh sôi bấy nhiêu để phủ đầy bãi biển.



< Ngược lại ở phía Đông Nam là vùng biển của thôn Lý Chánh, Lý Hòa... 

Đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán, khi gió bấc không còn thông thốc thổi, hoạt động lặn biển ở đây bắt đầu trở lại. Du khách được đưa ra các đảo gần đó bằng tàu đáy kính, ca nô hoặc tàu cá. Tàu cặp đảo, du khách lên bờ bắt đầu hành trình khám phá. Tắm biển, câu cá, ngắm san hô… đến chiều trở vào bờ. San hô ở đây ít bị xâm hại và nằm ngoài khơi nên còn khá nguyên vẹn. Chỉ cần úp mặt xuống nước đã thấy những rặng san hô rực rỡ, những đàn cá sắc màu lung linh dưới ánh mặt trời chiếu xuyên qua làn nước biển xanh, cảm giác như được bơi vào thủy cung xinh đẹp.



< Biển vùng Eo Gió trong leo lẻo, nhìn thấy tận đáy. 

Nếu đã chán phố thị náo nhiệt và cần tìm một nơi hoang sơ để hòa mình vào thiên nhiên, để tìm lại chút thư thái, yên bình, Eo Gió là điểm đến thích hợp nhất ở Bình Định để du khách lựa chọn. 

Du lịch phát triển, người dân Eo Gió đã biết làm dịch vụ với các nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn, phương tiện vận chuyển… nhưng vẫn giữ được nét chân chất, thật thà. Khách từ xa đến đều được các chủ quán khuyên nên đặt trước đồ ăn để chinh phục Eo Gió xong, trở về là có thể ngồi vào mâm.



Hải sản ở Eo Gió rất tươi, cứ như vừa bắt lên từ biển là cho vào nồi nấu ngay. Không nấu nướng cầu kỳ, không quá nhiều gia vị, chỉ cần vị mằn mặn chân chất của biển cả đã đủ làm món ăn đậm đà. Đặc biệt, không hề có tình trạng “chặt, chém” về giá cả.
Dulichgo
Vùng biển Eo Gió có nhiều rạn đá nên sò ốc có khá nhiều. Sò điệp là món khá bình dân nhưng không phải sò điệp ở đâu cũng ngon. Ở Eo Gió, sò điệp tươi rói, chỉ cần nướng than hồng rồi cho mỡ hành và đậu phộng phủ lên mặt là đã có thể thưởng thức. Sò quạt cũng tươi không kém. Cho lên bếp than rực đỏ, chẳng mấy chốc, sò há miệng ra, nước trong vỏ sôi xèo xèo bốc lên mùi thơm đầy kích thích.



Sò tươi nên mùi thơm phức. Cầm mảnh sò đầy ắp thịt nhúng vào chén nước mắm rồi đưa vào miệng. Dùng hàm răng trên giữ lại phần thịt và kéo vỏ sò trở ra, toàn bộ tinh túy của sò giữ lại trên lưỡi với bao dư vị của biển. Thịt sò tươi hòa quyện vào vị chua cay thoang thoảng mùi biển của nước chấm, bùi bùi của đậu phộng khiến thực khách ăn mãi không thôi.

Đặc biệt, là nước chấm được làm từ nước mắm cá cơm ủ tại làng, thơm phưng phức, pha trộn thêm tí nước và gia vị, có vị chua chua ngọt ngọt nhưng vẫn giữ chút mẳn của nước mắm, ăn đến bắt ghiền! 

Theo Nguyễn Đức (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.