Chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng)
Du khách đến tham quan thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đều tìm đến viếng ba ngôi chùa nổi tiếng là điểm đến du lịch, gồm chùa Dơi, chùa Đất Sét và chùa Sà Lôn. Chùa Sà Lôn (còn có tên gọi là chùa Chén Kiểu) là ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo tiểu thừa (Nam tông), thuộc xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), cách thành phố Sóc Trăng hơn 10 cây số bên quốc lộ 1 hướng đi Bạc Liêu.
< Chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng.
Chùa Sà Lôn tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn với những hàng cây sao dầu thẳng tắp vút ngọn lên trời xanh. Chùa Sà Lôn được xây dựng vào năm 1815 với vật liệu và kiến trúc đơn sơ. Về sau, chùa được tu bổ vài lần, đặc biệt, khi bị hư hại nặng vì chiến tranh, chùa Sà Lôn mới được dần xây dựng kiên cố, bắt đầu từ năm 1969.
Nói dần xây dựng là vì chùa được xây dựng nhiều đợt, có tiền “con sóc” (Phật tử trong sóc) cúng dường tới đâu thì xây tới đó. Chính vì vấn đề tài chánh một phần, nên vào năm 1980, khi xây xong phần thô, người ta đã nghĩ ra sáng kiến dùng miểng chén dĩa kiểu hư, bể do con sóc gom lại gắn lên trang trí tường, thay vì tô trát và sơn màu. Từ đó tên chùa Sà Lôn dần được gọi là chùa Chén Kiểu.
< Tường xây gạch được ốp mảnh vỡ chén, đĩa sứ.
Cổng chùa Chén Kiểu có hai con sư tử đá trên bệ cao hướng ra lộ. Trên cổng xây ba ngôi tháp trang trí theo kiến trúc truyền thống của người Khmer Nam bộ. Tháp chính ở giữa, bên trong lồng pho tượng Phật tọa thiền uy nghi. Hai tháp hai bên thấp hơn tháp chính. Thành cổng có dòng chữ tên chùa Sà Lôn bằng chữ Khmer và chữ Việt.
Chánh điện nằm bên trái cổng vào. Chánh điện có ba mái hình chóp. Mái cao nhất hình tam giác, hai đầu đao mỗi bên cong vút như vành trăng khuyết. Mái chánh điện được trang trí nhiều họa tiết màu sắc đẹp mắt. Tường rào và tường chánh điện dán gạch men nhiều màu đẹp đẽ. Chánh điện nằm trên 2 lần nền với 2 bậc cấp. Hai bên đầu bậc cấp nền chính có hai cột đá hình vuông. Đầu mỗi cột đá có tượng đá kỳ lân. Mặt chính và mặt hông mỗi cột đá đều có khắc hai hàng chữ Hán. Nền chánh điện lót gạch bông.
< Bộ bàn ghế cẩm thạch của Công tử Bạc Liêu và chân dung Công tử Bạc Liêu trên tường.
Trong chánh điện thờ chính Phật Thích Ca, còn có một số tượng Phật nhiều kích cỡ với nhiều tư thế. Tất cả đều nhìn về hướng đông, nhằm ban ơn phúc cho phật tử. Mái chánh điện được chống đỡ bằng 16 hàng cột lớn, ốp gạch men sáng bóng. Hai bên tường chánh điện là những bích họa miêu tả Phật tích.
Trước chánh điện, cách con đường, là cột cờ với hình tượng Rắn thần Nagar xòe 5 đầu, nhắc điển tích Rắn thần che mưa cho Phật Thích Ca khi ngài tọa thiền. Bao quanh cột cờ là hồ sen. Ngoài ra, chùa còn có một tượng Phật nằm khổng lồ... Chùa Sà Lôn đuợc công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào năm 2012.
< Chiếc giường mùa nóng, làm bằng gỗ giáng hương, mặt giường lót cẩm thạch.
Chùa Sà Lôn, hay chùa Chén Kiểu, là nét văn hóa kiến trúc độc đáo của đồng bào Khmer Đại Tâm, và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nét độc đáo khác là vào cổng chùa, bên phải có một dãy nhà ngang, hai tầng. Tầng trên, có hai căn phòng, là nơi lưu giữ một số đồ gỗ của “Công tử Bạc Liêu”, Trần Trinh Huy (1900-1974). Ông Trần Văn Hai, 62 tuổi, là thư ký của ban quản lý chùa, cho biết chùa đã có vài lần mua lại một số đồ gia dụng của gia đình điền chủ giàu có xứ Bạc Liêu. Tất cả cổ vật nầy đều được chạm trổ, cẩn xà cừ tỉ mỉ, có thể nói là những tác phẩm chạm khắc gỗ quý.
< Chiếc giường mùa đông của Công tử Bạc Liêu, làm bằng gỗ lệ chi (cây vải).
Lần thứ nhất vào năm 1948, nhà chùa mua bộ bàn tròn, mặt cẩm thạch nguyên miếng, giá 1.200 đồng. Năm 1952 mua thêm bộ bàn dài, gỗ đỏ nguyên miếng (1,3m x 2,0m), giá 4.000 đồng. Năm 1956, mua chiếc giường nóng (mùa hè), làm bằng gỗ giáng hương, giá 9.500 đồng. Năm 1960, mua chiếc giường lạnh (mùa đông), làm bằng gỗ lệ chi (cây vải), giá 5.000 đồng. Tổng cộng bốn cổ vật nầy là 19.700 đồng. Ông Hai cho biết, tiền thời ấy, 1 đồng mua được 24 giạ lúa.
(*) “Xoài Cả Nả, tên gọi làm vậy vì xóm nầy khi xưa có trồng rất nhiều xoài và ai ai khi đến đây khi trở về nhà đều mang theo cả giỏ, cả nả xoài. Tiếng Thổ gọi làng nầy là Xài Chụm (Xoai Chrum) phiên âm ra Việt ngữ đời Minh Mạng là làng Tài Sum, về sau hai làng kế cận Tài Sum và Trà Tâm (Xà Tim) sát nhập lại và lấy tên mới là Đại Tâm như ngày nay đã biết” (Theo “Tuyển tập Vương Hồng Sển”, NXB Văn Học, 2002).
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào