Những điểm tham quan tại Quảng Ngãi
I. Di tích lịch sử - văn hóa.
1. Thành cổ Châu Sa:
Tục gọi là thành Hời, nằm ở xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, đông giáp Đồng Dinh, tây giáp núi Bàn Cờ, nam giáp sông Trà Khúc, bắc giáp núi Đầu Voi.
Thành Châu Sa đắp bằng đất, gồm thành nội và thành ngoại. Thành nội có bình đồ hình chữ nhật, chiều nang 558m, chiều dài 586m, chân rộng 25m, cao 4,6m, bề mặt thành rộng 5,2m Thành ngoại có hai bờ chạy giáp sông Trà Khúc, dài trung bình 600m, có hình dạng càng cua, hào rộng 12m, trước có nước, chạy dọc bên ngoài thành, có thế phòng thủ kiên cố chống địch từ bên ngoài.
Thành Châu Sa được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX, X nhằm bảo vệ mặt nam của kinh đô Trà Kiệu. Thành nằm gần sông, gần biển nên dễ giao lưu với bên ngoài.
2. Khu Chứng tích Sơn Mỹ
Vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra vào rạng sáng ngày 16/3/1968 do một đơn vị đặc nhiệm quân đội Mỹ tiến hành. Chúng càn quét, đốt phá nhà cửa, ruộng vườn và tàn sát 504 người dân vô tội, trong đó hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em.
Vụ thảm sát này là bằng chứng tố cáo tội ác giết người hàng loạt man rợ nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Cụm di tích vụ thảm sát ở Sơn Mỹ có 8 điểm thuộc hai thôn Tư Cung và Cổ Lũy thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, cách TP.Quảng Ngãi 12 km về hướng Đông, di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng.
3. Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, cách TP.Quảng Ngãi 25 km về phía nam. Đây là nơi sinh ra và lớn lên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Khu lưu niệm này còn lưu giữ nhiều kỷ vật của gia đình Thủ tướng Phạm Văn Đồng như án thờ, tràng kỷ, án thư, phản… và những vật dụng lưu niệm khác; đồng thời tại đây cũng trưng bày một số hình ảnh thể hiện tình cảm của Ông với quê hương Mộ Đức - Quảng Ngãi, cũng như tình cảm của nhân dân Quảng Ngãi đối với Ông.
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã được đầu tư tôn tạo với tổng mức đầu tư là 20 tỷ, diện tích 20.036 m².
4. Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm
Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, trong một gia đình trí thức. Tốt nghiệp trường đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng hành quân, tháng 3/1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970 trong 1 chuyến đi công tác từ vùng núi về đồng bằng, chị đã bị địch phục kích và hy sinh lúc chưa đầy 28 tuổi.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã không hề sợ khó khăn gian khổ, bất chấp tất cả mọi nguy hiểm để cứu đồng đội và nhân dân. Mặc dù hàng ngày vẫn đương đầu với mọi thiếu thốn, khó khăn gian khổ thậm chí với cái chết đến bất cứ lúc nào, chị vẫn dành thời gian để ghi lại tình cảm và cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh trên mảnh đất Quảng Ngãi yêu thương, khiến cho những người lính bên kia chiến tuyến cũng thât sự bị chinh phục. Ngày 20/2/2006 Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm cách TP.Quảng Ngãi 45 km về hướng nam thuộc xã Phổ Hòa, Phổ Cường, huyện Đức Phổ và xã Ba Trang, huyện Ba Tơ.
5.Thiên Ấn Niêm Hà
Nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, về phía bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi, núi Thiên Ấn chỉ cao hơn 100m, giống một cái triện (ấn), nhín phía nào cũng thấy núi có hình thang cân. Núi chỉ cách đầu cầu Trà Khúc chừng 2km về hướng đông, nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Đỉnh núi bằng phẳng, có một khoảng cây cổ thụ bao bọc ngôi chùa cổ, tương truyền được xây dựng từ thời vua Lê và qua nhiều lần trùng tu, còn lại di tích cửa tam quan rêu phong cổ kính. Trong khuôn viên vườn chùa có 7 "viên mộ" của các vị sư tổ trụ trì chùa, có giếng nước sâu gọi là giếng Phật, có quả chuông cổ gọi là Chuông thần. Ngoài khuôn viên nhà chùa, trên khoảng đất thoáng đãng phía tây có phần mộ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, người đã gắn bó máu thịt với đất Quảng Ngãi thuở bình sinh.
Đường lên Thiên Ấn hình xoắn ốc, quanh sườn núi có tranh mọc đầy, "Bao giờ núi Ấn hết tranh, sông Trà hết nước anh đành xa em". Đứng bên hữu ngạn sông Trà nhìn qua, ta có cảm giác như ngọn núi nằm ngay trên mặt sông Trà, nên được người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời đóng trên sông) với niềm tin thiêng liêng vào một vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Xưa Thiên Ấn được xem là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi, chùa Thiên Ấn được xem là một trong những ngôi chùa nổi tiếng cả miền Trung. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), núi được liệt hạng danh sơn và ghi vào tự điển, có sắc phong "Thiên Ấn tự".
Từ trên đỉnh núi Thiên Ấn, tầm mắt có thể thu về một khoảng không gian bao la: xung quanh là những làng mạc, ruộng đồng ngát xanh, dòng Trà Khúc lượn lờ duyên dáng, tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, đông là mặt biển bao la...
Đầu năm 1990, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Thiên Ấn là một thắng cảnh của đất nước, bao gồm phần mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Núi và ngôi chùa cổ.
6. Làng cổ Thiên Xuân
Dấu tích ngôi làng cổ hiện nằm ở chân núi Nứa thuộc thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, cách TP.Quảng Ngãi 45 km về hướng tây. Ngôi làng từng là nơi sinh sống của hơn 40 hộ dân với đầy đủ các thiết chế của ngôi làng cách nay mấy trăm năm về trước đó là cổng làng, cây đa, giếng nước… và dưới lòng những dòng suối được xếp đá khá độc đáo để dẫn nước về làng. Chu vi của làng gần 2 cây số vuông, toàn bộ ngôi làng được vây bọc bởi một hệ thồng thành bằng đá rất vững chắc, mặt thành rộng 1m cao 2,5m và được gắn kết - móc xích giữa các tảng đá với nhau tạo thành một khối vững chắc mà không cần 1 loại tạp chất nào.
Làng cổ Thiên Xuân nằm sát tỉnh lộ 628 nối với QL24 lên tỉnh Kon Tum, gần di tích Khánh Giang - Trường Lệ và cách Quần thể di tích Đặng Thùy Trâm khoảng 10 km. Đây sẽ là 1 điểm dừng chân lý thú cho du khách khi tham quan tuyến du lịch Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm .
7. Di tích chiến thắng Vạn Tường
Di tích chiến thắng Vạn Tường có 8 điểm nằm trên địa bàn 2 xã Bình Hòa và Bình Hải, huyện Bình Sơn, Cách TP.Quảng Ngãi 25 km về hướng Đông Bắc.
Ngày 18/8/1965 bộ đội chủ lực Quân khu V đã phối hợp cùng bộ đội và du kích địa phương đánh bại cuộc hành quân “ánh sáng sao” của quân đội Mỹ. Chiến thắng này cho thấy khả năng quân và dân ta có thể đánh thắng quân viễn chinh Mỹ trong diều kiện đối phương được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại.
8.Những cảnh đẹp ở vùng Sa Kỳ - Cổ Lũy
Từ Thiên Ấn, Long đầu xuôi về hướng đông chừng 15km, ta sẽ bắt gặp những cảnh đẹp từ Sa Kỳ đến Cổ Lũy, thuộc vùng Mỹ Khê. Bờ biển Mỹ Khê dài trên 10km, có 3 cảnh đẹp là: Cổ Lũy cô thôn, Thạch cơ Điếu tẩu, An Hải sa bàn. Bờ biển Sa Kỳ - Cổ Lũy có hình cong lưỡi liềm, nước biển ngắt xanh, bãi cát vàng, sạch sẽ, có rừng phi lao rì rào quang năm, không khí trong lành, là nơi nghĩa mát và tắm biển rất tốt. Các quan chức Quảng Ngãi xưa thường đến đây nghĩ mát trong những ngày hè.
Thôn Cổ Lũy thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh là một mảnh đất rợp mát bóng dừa, vây bọc bởi sông nước và biển cả. Mặt sau thôn là sông Kinh, có rừng dừa nước xanh tốt, là căn cứ bất khả xâm phạm của đội du kích Tịnh Khê trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Vào những chiều sương khói mờ ảo, hoàng hôn vây phủ, từ trong đất liền nhìn ra, Cổ Lũy như bị tách biệt, gợi cảm giác cô liêu, nên được gọi là "cô thôn". Từ Cổ Lũy đi theo hướng đông bắc tới của Sa Kỳ có mõm núi cao thuộc xã Tịnh Kỳ. Thôn An Kỳ, An Vĩnh của xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh hợp với thôn An Hải thuộc xã Bình Câu huyện Bình Sơn thành vùng Ba Làng An nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ. Tại mõm An Vĩnh có nhiều phiến đá hình thoi xếp thẳng hàng như có bàn tay vô hình nào sắp đặt, dựng thành vách đá cao. Ở đây có một hang đá lộ thiên, sóng biển dội vào, nước trong hang sủi bọt như đang sôi lên, nên được gọi là Hầm Rượu. Lại có những vết lõm xuống mặt đá, hình dạng như dấu bàn chân, nên gọi là "bàn chân khổng lồ".
II. Danh lam thắng cảnh
1. Biển Dung Quất
Nằm về phía đông bắc cách TP.Quảng Ngãi khoảng 45 km. Biển Dung Quất có độ sâu lý tưởng. Bến Dung Quất đang được xây dựng thành cảng nước sâu cho tàu hàng vạn tấn cập bến. Trong tương lai Dung Quất trở thành cảng dầu khí lớn nhất Việt Nam. Với thành phố Vạn Tường hiện đại xây dựng trong nay mai, Quảng Ngãi, mảnh đất giàu tiềm năng, điểm thu hút đầu tư nước ngoài ở miền Trung và là điểm du lịch hấp dẫn khách trong nước và ngoài nước.
2. Nét đẹp Sa Huỳnh
Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc huyện Đức Phổ, cách TP.Quảng Ngãi 60 km. Sa Huỳnh là bãi biển đẹp, nổi tiếng là vựa muối quan trọng ở miền Trung. Bãi biển Sa Huỳnh nằm sát quốc lộ 1A, ở km 985, có ga xe lửa Sa Huỳnh, cho nên từ Hà Nội vào hay từ thành phố Hồ Chí Minh ra, du khách có thể dừng chân ghé lại đây rất thuận lợi. Địa danh Sa Huỳnh phải viết cho đúng là Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Thật vậy, màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh thật đẹp. Sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “ Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn sơ.
Bến cá Sa Huỳnh Bãi biển Sa Huỳnh chạy dài đến năm, sáu km, cong cong hình lưỡi liềm. Đáy biển thoai thoải, không có bãi đá ngầm, có thể là những bãi tắm lý tưởng đối với du khách đến đây nghỉ hè, vui chơi và tắm biển. Ngoài ra, Sa Huỳnh còn có thắng cảnh ghềnh đá Châu Me, Đảo Khỉ… thu hút du khách vào các ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ tết. Để phục vụ khách du lịch, ngành du lịch Quảng Ngãi còn xây dựng tại đây khách sạn Motel Sa Huỳnh để đón khách đến nghỉ ngơi, an dưỡng.
3. Vẻ đẹp Sa Cần
Sa Cần là một trong năm cửa biển của người Quảng Ngãi, nằm ở phía đông bắc huyện Bình Sơn, nơi sông Trà Bồng (hay sông Châu Tử) đổ ra biển. Sách xưa gọi Sa Cần là Thái Cần hay Thể Cần. Sông Trà Bồng chạy đến gần cửa biển thì mở rộng lòng, nước rất êm. Giữa lòng sông nổi lên một quả núi nhỏ với nhiều tảng đá lớn chồng chất lên nhau, gọi là hòn Bà, sách Ðại Nam Nhất thống chí gọi là "Ghềnh Thạch Bàn". Bên ngoài cửa biển, đối diện với hòn Bà và lớn hơn hòn Bà là hòn Ông, cũng nhiều đá nhưng có cây cối xanh tốt.
Sa Cần không chỉ quyến rủ bởi vẻ thơ mộng của thiên nhiên mà còn hấp dẫn bởi nét sinh hoạt đặc trưng của ngư dân quanh cửa biển với tục thờ cá Ông, hội đua thuyền, hát bả trạo... Sa Cần còn cho du khách mênh mang cảm giác về thời gian, về lịch sử, khi biết cách đây hơn 530 năm (năm 1471), vua Lê Thánh Tông từng thân chinh đến cửa biển này trong cuộc Nam chinh lịch sử.
Bởi những lẽ đó, đến với khu công nghiệp và cảng Dung Quất, ta không nên bỏ qua Sa Cần, cũng như khi đến cửa Sa Cần, ta cũng nên đến với Dung Quất đang tấp nập các công trình dựng xây.
4. Thác Trắng
Thác Trắng nằm ở giữa huyện Minh Long. Từ trung tâm huyện lỵ Minh Long đi bộ chừng 40 phút là đến thác Trắng. Xung quanh thác Trắng là một vùng đồi núi rộng lớn chập chùng, ngút ngàn một màu xanh cây lá, thật thơ mộng, trong lành và yên tĩnh. Từ độ cao hơn 40m, dòng nước bạc tuôn trào như suối tóc của nàng tiên buông xõa theo ghềnh đá.
Đến Minh Long giữa những ngày tháng 6 âm lịch, là thời gian cao điểm của nắng nóng, nhưng bên thác Trắng chúng ta như ngỡ mình đang ở giữa những ngày mùa đông. Nơi đây còn có hai hồ nước tự nhiên gần kề nhau dưới chân thác, mỗi hồ khoảng trên 100 m³, nước xanh biêng biếc.
5. Bãi Biển Mỹ Khê
Bãi biển Mỹ Khê nằm trên quốc lộ 24B cách thị xã Quảng Ngãi 15 km, cách cảng Dung Quất 16 km và gần cảng Sa Kỳ, thuộc địa phận thôn Cổ Luỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Mỹ Khê là bãi tắm lý tưởng của tỉnh Quảng Ngãi với không gian mênh mông, bãi cát mịn, độ dốc thoải, được che chắn kín đáo, chạy dài 7 km, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh mang vị ngọt của thượng nguồn đỏ về và vị mặn của biển đem lại nhiều đặc sản biển phong phú
Hàng năm khách đến bãi biển Mỹ Khê ngày càng đông. Ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển và hít thở bầu không khí trong lành, du khách còn có dịp thăm quan tưởng niệm khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ. Tỉnh Quảng Ngãi đã có qui hoạch tổng thể khu du lịch Mỹ Khê với diện tích 342 ha để xây dựng các khu vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi như khách sạn Mỹ Khê, khu camping dành làm nơi cắm trại.
6. Biển Khe Hai
Biển Khe Hai thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, nằm cách QL1A (đoạn ngã ba Dốc Sỏi – Dung Quất) khoảng chừng 3 km về phía đông. Vào ngày hè, có đông đảo du khách của Quảng Nam và Quảng Ngãi đến đây tắm biển nghỉ ngơi.
Khe Hai có một bãi cát trắng mịn, rặng phi lao ngút ngàn song hành với bờ biển xanh. Phía tây có ngọn núi chạy dài từ bờ rồi lấn sâu ra biển tạo thành một nửa vòng cung rất đẹp, đó là dãy Bàn Than. Phía đông có hòn núi nhô lên gọi là Hòn Ông. Từ bãi biển Khe Hai theo đường cao tốc đến cảng biển nước sâu Dung Quất. Nhà máy Lọc dầu số 1 và TP.Vạn Tường từ 5 – 7 km.
7. Đảo Lý Sơn
Toàn cảnh đảo Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa một vùng trời biển bao la, xanh ngắt. Đây chính là năm ngọn núi lửa đã tắt (gười dân ở đây gọi là ngũ hành sơn gồm có núi Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Giếng Tiền, Hòn Vung). Trong năm ngọn núi, Thới Lới là ngọn cao nhất, đứng trên đó bạn có thể nhìn được toàn cảnh Lý Sơn. Núi Thới Lới là ngọn núi được hình thành từ dung nham của núi lửa cách đây hàng vạn năm. Bên trên đỉnh núi trũng xuống, trông giống như lòng chảo, nơi đây đã được xây dựng thành đập giữ nước ngọt để phục vụ cho nông nghiệp. Bờ biển Lý Sơn rất đẹp, ở đây bãi biển không thích hợp cho tắm, nhưng là nơi rất lý tưởng cho những ai thích ngao du dưới đáy biển, ngắm đàn cá tung tăng bơi lội, san hô màu sắc sặc sỡ.
Đập nước trên đỉnh núi Thới Lới
Ven bờ biển từ chùa Hang đến hang Câu là một cảnh tượng hùng vĩ; một bên là vách núi sừng sững, một bên là trời biển mênh mông. Bạn hãy thử một lần đi chân trần trên làn cát mịn màng, trắng tinh và mát rượi ấy, cùng với khí trời tinh khiết, hãy hòa mình vào bản tình ca đất trời và sóng biển, bạn sẽ thấy tâm hồn thanh thản lạ thường! Thật là tuyệt nếu bạn đến đây vào mùa trăng. Ngồi trên núi Thới Lới thưởng trăng, ngắm biển lung linh kì ảo ánh trăng, gió dịu dàng mang về hương đồng nội thơm ngát.
Bờ biển Lý Sơn
Ngoài ra, bạn nên đi thăm một số di tích lịch sử như chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng Núi lửa, di tích hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm Linh Tự và một số ngôi mộ cổ. Nổi tiếng nhất là chùa Hang thuộc địa phận xã An Hải, đây là hang động lớn nhất đảo dùng để thờ phật, nó được tạo thành từ thế kỉ 16 từ một vách đá dựng đứng cao gần 20m ở ngọn Thới Lới, do nước biển xâm thực. Hang có bề ngang 30m ăn sâu vào núi trên 25m theo kiểu hàm ếch. Ở trong hang có những kỉ đá, giường đá rất đẹp. Trước cửa hàng là dãy bàng cổ thụ cành lá sum xuê phủ kín cửa hang, trước dãy bàng là tượng Quan Thế Âm hướng ra biển. Muốn đến chùa, bạn phải theo con đường cheo leo trên vách núi, sát mép biển, lên cao dần rồi đi xuống 40 bậc đá. Đình làng An Hải (trước kia gọi là Lý Hải) là di tích lích sử văn hóa quốc gia, được xây dựng năm 1820, đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét chính của kiến trúc ban đầu. Đây là ngôi đình làng cổ nhất Quảng Ngãi, là nơi các lễ hội, sinh họat văn hóa (tế xuân thu nhị kỳ, tế tiền hiền, đua thuyền,...). Chùa Đục được xây dựng trong một hang đá trên núi Giếng Tiền được tái tạo rất sống động. Âm Linh Tự là nơi tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như lưu giữ những ngôi mộ của của người lính Hoàng Sa... Lý Sơn còn có những hiện vật bằng đá, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Đại Việt. Đặc biệt trong lòng đảo ẩn chứa rất nhiều di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh.
Tượng Quan Thế Âm ở Chùa Đục trên đảo Lý Sơn
Cũng như các vùng biển khác của Việt Nam, các món ăn của người dân đảo Lý Sơn mang rất nhiều hương vị đặc trưng của biển như món gỏi rong biển, món các chình xào với các loại rau và một số loại ốc mà chỉ ở trên đảo mới có. Ngoài các món ăn từ biển, món dưa hấu của Lý Sơn cũng được nhiều người biết đến. Dưa ở đây quả nhở và có vị ngọt rất khác so với dưa vẫn bán ở thành phố, có lẽ do được trồng trên cát nên dưa ngon hơn. Người dân ở Lý Sơn vẫn thường gọi loại dưa hấu này là dưa An Tiêm.
Những điểm du lịch hấp dẫn ở Quảng Ngãi đang chờ đón các bạn khám phá!
Không có nhận xét nào