Lịch Sử Hình Thành Facebook
Facebook mạng xã hội lớn nhất thế giới đã chính thức chạm mốc 500 triệu người sử dụng sau 6 năm kể từ ngày thành lập. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài mốc thời gian và sự kiện quan trọng trong lịch sử hình thành mạng xã hội này.
Mạng xã hội đông dân cư nhất hành tinh đã vượt qua mức 500 triệu người dùng - một con số đáng mơ ước
Được thành lập vào tháng 2 năm 2004, Facebook ban đầu có tên là Facemash. Đây là một phiên bản Hot or Not của trường đại học Harvard. Sau đó, MarkZuckerberg thành lập “The Facebook” đặt trên domain thefacebook.com. Dịch vụ mạng xã hội này ban đầu chỉ dành riêng cho các sinh viên của Đại học Harvard. Chỉ sau một tháng, hơn nửa số sinh viên Đại học Harvard đã đăng ký sử dụng dịch vụ này.
Mark Zuckerberg đã cùng với ba người bạn của mình là Eduardo Saverin, Dustin Moskivitz và Andrew McCollum mở rộng quảng cáo cho website thefacebook.com giúp trang này phát triển mạnh mẽ. Mark Zuckerberg quyết định mở rộng phạm vi hoạt động của thefacebook.com tại hầu hết các trường đại học của Mỹ và Canada.
Một cảnh trong phim The Social Network nói về lịch sử hình thành Facebook
Tháng 9 năm 2004, Mark Zuckerberg đã chuyển trụ sở của thefacebbook.com về Palo, Alto, California và bỏ chữ “the” trong tên miền thefacebook.com, chuyển thành facebook.com.
Facebook nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc đối với người sử dụng các dịch vụ mạng xã hội. Đến tháng 12 năm 2004, tức chỉ 10 tháng sau khi thành lập, Facebook đã gần chạm mốc 1 triệu người dùng.
Một năm sau đó, số người dùng đã tăng vọt lên tới 5.5 triệu người. Facebook dần dần mở rộng hoạt động ra phạm vi bên ngoài các trường đại học. Các trường trung học tại Hoa Kỳ bắt đầu được thêm vào hệ thống.
Bản thân Facebook cũng có nhiều sự thay đổi hướng tới người dùng. Tháng 10 năm 2005, Facebook đã thêm tính năng chia sẻ hình ảnh vào trang mạng của mình dưới dạng một ứng dụng rồi sau đó mở rộng hệ thống hoạt động ra bên ngoài khu vực Bắc Mỹ. Tháng 6 năm 2006, ứng dụng Facebook Mobile chính thức ra mắt.
Giao diện Profile trên Facebook năm 2005
Giao diện Facebook trên Mobile
Số lượng người dùng Facebook liên tục tăng theo cấp số nhân. Tháng 10 năm 2007, số thành viên của mạng xã hội này đã vượt qua con số 50 triệu.
Giao diện Profile trên Facebook năm 2007
Với nhiều tiện ích chia sẻ cũng như kho ứng dụng phong phú, Facebook thu hút được số lượng người dùng khổng lồ
Với số lượng thành viên tăng nhanh chóng mặt, Facebook cũng liên tục cải tiến nền tảng ứng dụng. Một loạt các tính năng như MarketPlace, FB event, các tuỳ chỉnh riêng tư như Friend list privacy, Facebook chat…đã lần lượt ra đời.
Tháng 4 năm 2008, Facebook chính thức có mặt trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với 21 ngôn ngữ khác nhau. Số thành viên của mạng xã hội này đã lên tới 100 triệu người.
Tầm ảnh hưởng rộng lớn của Facebook đã trở thành công cụ kiếm bội tiền cho Mark Zuckerberg. Tháng 10 năm 2007, Facebook chính thức ký hợp đồng quảng cáo với Microsoft và đưa Facebook Ads vào hoạt động.
Thành công đến với Facebook nhanh hơn mong đợi khi số lượng thành viên của mạng xã hội này lần lượt chạm mốc 200 triệu vào tháng 4, 300 triệu vào tháng 9 năm 2009, 400 triệu vào tháng 2 năm 2010. Mới đây nhất, Facebook đã chính thức chạm mốc 500 triệu người dùng.
Giao diện Profile của Facebook năm 2010
70% người dùng Facebook đăng nhập vào mạng xã hội này mỗi ngày
Thành công của Facebook phần lớn nhờ vào các dịch vụ trực tuyến. Hệ thống ứng dụng rất phong phú cùng “kho” game đồ sộ đã giúp Facebook giữ chân người dùng được lâu hơn. Giao diện người dùng đơn giản, ổn định và độ bảo mật tương đối cao. Hiện tại mạng xã hội này đang có hơn 500.000 ứng dụng và hơn một nửa trong số đó có lượng người dùng mỗi tháng lên tới hơn 1 triệu.
Theo thống kê của Website-monitoring.com, top 10 quốc gia có lượng người sử dụng Facebook đông đảo nhất là Mỹ, Anh, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý, Canada, Philipin, Tây Ban Nha và Mexico. Việt Nam cũng là một trong số những nước đầu bảng về tốc độ tăng trưởng người dùng mạng xã hội này.
Tin đồn về việc một số tập đoàn lớn đang có ý định mua lại Facebook với mức giá lên đến hàng tỷ đô la đã từng gây xôn xao dư luận cộng đồng mạng xã hội đông dân cư nhất hành tinh. Tuy nhiên, điều này chưa được các bên liên quan chính thức xác nhận. Trong khoảng thời gian tới, Facebook vẫn sẽ tiếp tục một mình tiến bước trên con đường bảo vệ ngôi vị số một trong thế giới mạng xã hội.
Không có nhận xét nào