Các điểm tham quan tại Lai Châu
Đèo Ô Quy Hồ (Ô Quý Hồ)
Mục lục / Contents
- 1 Đèo Ô Quy Hồ (Ô Quý Hồ)
- 2 Pu Sam Cap
- 3 Huyện Sìn Hồ
- 4 Mốc 17 – Thượng nguồn Sông Đà
- 5 Đá thiêng Hà Nhì
- 6 Nhà máy Thủy điện Lai Châu
- 7 Bia Lê Lợi và đền thờ vua Lê
- 8 Bản Nà Luồng
- 9 Bản Hon
- 10 Bản Vàng Pheo
- 11 Bản Pú Đao
- 12 Thác Tác Tình
- 13 Suối nước nóng Vàng Bó
- 14 Cửa khẩu Ma Lù Thàng
- 15 Động Tiên Sơn
- 16 Di tích vua Thái – Đèo Văn Long
- 17 Cánh đồng Mường Than
- 18 Pu Ta Leng
Biển mây Ô Quy Hồ (Ảnh – huong_winter) |
Tây Bắc biết đến như một chặng đường mang nhiều cảm xúc, với đặc điểm là núi non hiểm trở thì những con đường đèo chính là điểm nhấn cho sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Một trong những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất của núi rừng Tây Bắc không thể không kể đến đèo Ô Quý Hồ.
Đèo Ô Quý Hồ nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai, nơi có đỉnh Fansipan huyền thoại. Nằm ở độ cao hơn 2000m giữa mây núi ngút ngàn, cung đường đèo hiện ra mềm mại, trải dài như dải lụa uốn mình sát những vách núi dựng đứng. Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên, Đèo Hoàng Liên Sơn do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ, nhưng ít ai biết rõ xuất sứ cái tên “Ô Quý Hồ”. Ô Quý Hồ chính là tiếng kêu da diết của một loài chim mỗi khi hoàng hôn rơi trên đỉnh núi và ẩn sau tiếng kêu ấy là một câu chuyện tình yêu không thành của đôi trai gái.
(Ảnh – FongZooZ) |
Ngoài con đường mê hoặc bởi những khúc cua tay áo liên tục, Ô Quý Hồ còn hấp dẫn ở sự khác biệt rất lớn về nhiệt độ ở hai phía của con đèo. Nếu du khách đang chịu cái nóng ấm hơi khô của sườn Tây dãy Hoàng Liên (thuộc địa phận Lai Châu) thì sẽ ngạc nhiên thích thú khi vượt qua đỉnh đèo Cổng Trời của Ô Quý Hồ để đón nhận hơi gió lúc nào cũng ẩm và mát lạnh bên phía Sapa (Lào Cai).
Đứng trên đỉnh đèo hùng vĩ, cảnh sắc thiên thiên của đại ngàn được thu trọn vào tầm nhìn của du khách, khí hậu trong lành mang lại cho ta cảm giác thật dễ chịu. Đến Ô Quý Hồ vào mùa đông, nếu may mắn ta có thể được chiêm ngưỡng một cảnh tượng hiếm gặp ở Việt Nam đó là những bông tuyết và hiện tượng băng đá. Những giọt nước đọng lại trên những cành cây, bông hoa bị đóng băng tạo nên hình ảnh thật đẹp và độc đáo. Ở nơi cao hơn, ta có thể thấy được trên nền đất màu trắng xóa của những bông tuyết và bắt gặp hình ảnh của những đứa trẻ, các cặp tình nhân đang thích thú nô đùa cùng nhau và quên đi cái giá rét khắc nhiệt của thời tiết.
Pu Sam Cap
Đường lên động Thiên Môn |
Là một quần thể gồm nhiều hang động nằm trên hệ thống núi Pu Sam Cap có độ cao từ 1.300m đến 1.700m so với mực nước biển, trên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, cách trung tâm thành phố chừng 05 km bao gồm 3 hang động lớn là: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Vẻ đẹp nguyên sơ của nó khiến nhiều người ngỡ ngàng
“Sam” theo tiếng Thái có nghĩa là “ba” nên nơi đây còn được gọi là “núi ba hòn”. Địa danh này đang ngày càng dược nhiều người biết đến không chỉ bởi sự hùng vĩ, hoành tráng mà còn bởi dấu tích gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Phong thổ, Tam đường, gắn với quá trình định cư của người Thái, những cuộc thiên di của người H’Mông và những sự tích huyền thoại về qua trình khai thiên, lập địa.
Truyền thuyết kể rằng: “Ải Sái Hịa là người nhà trời, được Then sai xuống để khai khẩn đất hoang. Ải mang theo bò chín ngàn bướu, trâu chín ngàn vai. Ải khai phá đất hoang thành ruộng lúa. Mỗi cánh đồng cách nhau mấy chục ngày đường. Buổi sáng Ải nhổ mạ ở Mường Thanh, trưa về ăn com ở Mường Lò, chiều đi cấy ở Mường Tấc, Mường Than, đến tối lại bắc bếp đồ cơm ở vùng 99 ngọn núi này. Dãy Pusamcap chính là dấu tích của ba hòn đầu rau Ải làm ngày ấy.
Quần thể thắng cảnh pusamcap là một sản phẩm kì vĩ của tạo hoá, với cảnh sắc vừa thơ mộng quyến rũ, vừa kì bí huyền ảo nhưng cũng không kém phần tráng lệ nguy nga. Nhưng không chỉ có vậy, Pusamcap có sức lôi cuốn lòng người bởi một chuyện tình buồn được người dân nơi đây truyền miệng qua bao đời.
Câu chuyện kể về một người con gái đẹp tên là Thị Lài. Thị Lài vừa đến tuổi trăng tròn. Khuôn mặt nàng đẹp lắm, đẹp như bông Ban rừng đầu xuân khi còn e ấp. Tóc nàng dài, sóng sánh như thác nước mùa xuân, giọng nàng trong như tiếng chim rừng tinh nghịch, ríu rít gọi bạn trên cành cây cổ thụ. Trai bản say đắm nàng, ngây ngất nàng nhưng trái tim nhỏ bé, nóng bỏng của nàng đã tìm được nơi trú ngụ. Chàng là một người con trai khôi ngô, khoẻ mạnh và dũng mãnh. Nhà chàng nghèo nhưng chàng có một trái tim giàu yêu thương và hai người yêu nhau tha thiết. Họ như con nai, con hoẵng non, cứ mải mê vui đùa quên ngày tháng. Quên ngày trăng mọc rồi trăng lại lặn. Quên mất ngày con nước độc ác từ đầu nguồn đã tràn xuống cuốn trôi hết nương ngô, ruộng lúa của dân bản. Những ngôi nhà vốn đã xác sơ không thể đứng vững được trước con nước dữ. Cha mẹ nàng vì cái nhà rách, cái bụng đói mà đã nhận con trâu, gùi thóc của tên trưởng bản tham lam, độc ác. Hắn vốn đã để ý nàng từ lâu nhưng không đeo bám được, nay có vẻ như hắn đã được thoả lòng tham ấy Thị Lài buồn lắm. Nàng khóc nhiều, đến nỗi khuôn mặt đẹp kia phải héo hon, đôi mắt đẹp kia khô không còn giọt lệ. Thương người yêu, chàng trai đã liều lĩnh dẫn nàng cùng chốn. Bạt ngàn rừng núi thế này không lẽ không có chỗ cho hai người nương náu? Cảm thông cho cuộc tình đẹp nhưng ngang trái thần rừng, thần núi cũng thương họ. Tạo hoá đã đặt giữa núi rừng Tây Bắc một ngôi nhà bằng đá được cánh rừng Móc che chở. Trong ngôi nhà đá ấy có cả thác nước cho họ uống, giường cho họ nằm, cái trống, cái nôi có lọng che để cho những đứa con trong tương lai, có cả chày, cối cho họ giã những hạt thóc, hạt ngô thành tấm bánh. Họ còn tìm được cả nơi thiêng liêng nhất để tỏ lòng cảm tạ thần núi thần cây. Cuộc sống cứ thế trôi qua êm ả trong hạnh phúc. Hàng ngày Thị Lài ở lại động để chăm sóc con cái, nấu cơm chờ chồng đi săn về. Chồng nàng săn bắn rất giỏi, sự khéo léo, dũng mãnh của chàng khiến cho con voi rừng, con sư tử dữ cũng phải thuần phục chàng, chúng kéo tới đây ngay nơi cửa động để ngày ngày canh giữ, bảo vệ nơi tổ ấm của họ. Nhưng một ngày kia, lúc người chồng yêu thương của Thị Lài đang mải mê theo con thú hoang. Không biết con rắn độc đưa đường hay con cáo gian ác chỉ lối mà tên trưởng bản xấu xa kia tìm được đến đây. Hắn mang theo rất nhiều quân lính. Bọn chúng đông và dữ tợn đến nỗi con voi lớn, con sư tử hung dữ cũng bị chúng giết chết. Thị Lài vô cùng sợ hãi, những đứa con khóc thét lên ôm chầm lấy mẹ trong nức nở. Không biết phải làm sao, nàng đứng chết lặng hướng về nơi ban thờ mà cầu nguyện. Nỗi lòng nàng thấu đến trời xanh. Ngay lúc ấy, mây đen kéo đến, trời đất tối đen như mực, sấm chớp vang trời. Tên trưởng bản và đám tuỳ tùng của hắn vô cùng sợ hãi. Đứa chốn dưới gốc cây, đứa chui vào hang đá. Chỉ giây lát rồi mọi thư bình yên trở lại. Nhưng than ôi chỉ có mẹ con Thị Lài và tổ ấm của họ thì đều hoá thành đá cả, cả con voi, con sư tử, cả thác nước cũng hoá đá. cuộc sống của nàng đã trở thành vĩnh cửu. Không ai bắt được nàng, không ai hại được Thị Lài nữa.
Không ai biết được thực hư câu chuyện thế nào, nhưng ngày hôm nay, khi đến với Pusamcap ai cũng như nhìn thấy bóng dáng Thị Lài bồng con đứng chết lặng, nghe thấy tiếng nàng khóc trong trong nỗi bất lực trước những thế lực của một thời phong kiến, nô bộc.
Huyện Sìn Hồ
Toàn cảnh thị trấn Sìn Hồ |
Cách thành phố Lai Châu chừng 60km về phía Tây theo đường quốc lộ 4D, Sìn Hồ là huyện vùng cao nằm giữa tỉnh Lai Châu, có huyện lỵ là thị trấn Sìn Hồ. Huyện Sìn Hồ có 56.000 cư dân gồm 15 dân tộc cùng chung sống trên diện tích 1.746km². Về mặt địa lý, Bắc Sìn Hồ giáp Vân Nam (Trung Quốc), Đông giáp huyện Phong Thổ, Nam giáp huyện Tủa Chùa (Điện Biên) và Tây giáp huyện Mường Tè.
Sìn Hồ cũng có một biển mây, bạn có từng gặp ? |
Theo tiếng bản địa, “Sìn Hồ” là nơi tập trung nhiều con suối. Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, cao nguyên Sìn Hồ được ví như nóc nhà của tỉnh Lai Châu. Nơi đây khí hậu khá giống với thị trấn Sa Pa, quanh năm mát mẻ tạo điều kiện cho nhiều giống hoa, quả ôn đới như mận, đào, lê… phát triển.
Bồn tắm thuốc Đế Vương ở Sìn Hồ |
Trong vài năm gần đây, tại khu 2 thị trấn Sìn Hồ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách, đó là dịch vụ tắm lá thuốc, xoa bóp và bấm huyệt do người dân địa phương cung cấp. Dung dịch để ngâm tắm là một loại nước có màu đen sánh được nấu từ 10 loại cây thuốc hái từ trên núi, trong đó có gừng và sả là có thể trồng ngay tại vườn nhà. Khách sẽ được mời vào một căn phòng nhỏ, trút bỏ xiêm y rồi ngồi ngâm mình ngập đến tận cổ trong dung dịch nước thuốc nóng chừng 40º, được chứa trong một chiếc thùng gỗ, có mùi thơm nồng ngai ngái
Mốc 17 – Thượng nguồn Sông Đà
Mốc 17(1) biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Ảnh – Quỷ Cốc Tử) |
Sông Đà, còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc – đông nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.
Ngã 3 nơi sông Đà bắt đầu chảy vào Việt Nam (Ảnh – Quỷ Cốc Tử) |
Sông Đà dài 910 km (có tài liệu ghi 983 km), diện tích lưu vực là 52.900 km². Ở Trung Quốc, sông có tên là Lý Tiên Giang, do hai nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp thành. Đoạn ở Việt Nam dài 527 km (có tài liệu ghi 543 km). Điểm đầu là biên giới Việt Nam-Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông Đà chảy vào Việt Nam tại mốc 17, nơi con suối Nậm Náp chảy vào Sông Đà. Mốc 17 gồm 3 mốc là 17(1), 17(2) của Việt Nam và 17(3) của Trung Quốc. Đường phân thủy giao cắt của 3 mốc này tại cửa suối Nậm Náp chính là nơi sông Đà chảy vào đất Việt.
Đá thiêng Hà Nhì
A Pó Ủ Phú nghĩa là Ông già đá trắng, hay còn gọi là Thánh thạch đã có ở địa bàn từ rất lâu, từ khi xã được hình thành. Người Hà Nhì nơi đây coi đó là biểu tượng của niềm tin để cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc cho dân bản. Hàng năm, lễ cũng “thánh thạch” là lễ hội được đón đợi nhất của người Hà Nhì nơi đây. Đây cũng là một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì”.
” Ngày trước, cả vùng đất Tây Bắc này là rừng già bao phủ. Thú hoang nhiều vô kể, khi đó cả xã Thu Lũm mới có vài hộ dân. Đêm đến bà con phải đốt lửa ngồi quây quần bên nhau xua thú dữ. Chuyện đôi vợ chồng, họ đi cả đêm để vượt qua trăm suối ngàn khe. Khi họ đi đến một đỉnh núi thuộc nước Việt thì người vợ mới sực nhớ là quên mất chiếc khăn đội đầu ở nhà. Thế là người chồng phải ngồi đợi người vợ về lấy khăn. Người vợ về đến nhà quay lại chỗ chồng đợi thì gà đã gáy sáng nên không vượt qua được rừng già nữa. Người chồng đợi mãi, không thấy người vợ quay lại cho đến khi mình hóa đá lúc nào không hay. Chỗ người chồng đợi vợ vốn là hòn núi đất giờ tự nhiên lại mọc lên một ụ đá giống thế người chồng ngồi chống cằm mắt hướng về phương Nam. Từ đó cho đến nay người Hà Nhì coi nơi đó là mảnh đất thiêng”
Hàng năm, sau Tết Nguyên Đán bản Pa Thắng lại đứng ra tổ chức lễ Thánh thạch. Ông Chu Cà Xá B (người nắm rõ nhất truyền thuyết về Ông già đá trắng) được giao trách nhiệm đứng ra chọn ngày tốt rồi dẫn trai tráng trong bản lên đó. Phụ nữ tại bản không được phép lên nhưng phụ nữ đến từ nơi khác vẫn có thể lên thăm.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu
Trên công trường thủy điện Lai Châu (Ảnh – Bát Trảm Đao) |
Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia Việt Nam được khởi công xây dựng vào ngày 5/1/2011 tại xã Nậm Hàng huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Công trình này có tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 35700 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển – kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc. Thủy điện Lai Châu thuộc bậc trên cùng của dòng sông Đà, giáp với biên giới Trung Quốc. Với thiết kế chọn cao trình đập 295 mét sẽ đảm bảo mực nước cách biên giới khoảng 15 – 20 km, nhưng khi nước dềnh hoặc có lũ, lụt thì chỉ cách biên giới khoảng 2 km.
Bia Lê Lợi và đền thờ vua Lê
Bia Lê Lợi được di chuyển về vị trí mới … |
Bia Lê Lợi nằm giữa ngã ba sông nơi giao nhau của dòng Nậm Na và con sông Ðà hùng vĩ tại xã Lê Lợi. Năm 1981, Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vào đầu thế kỷ XV tại vùng đất này tù trưởng châu Ninh Viễn (Lai Châu ngày nay) là Ðèo Cát Hãn đã hai lần làm phản câu kết với giặc Minh âm mưu chia cắt miền đất phía Tây (có Lai Châu) và lệ thuộc vào nhà Minh. Khi đó nhà Lê có chính sách khoan hồng và mềm dẻo nhưng Cát Hãn đã bất chấp và còn tăng cường đánh chiếm mở rộng xuống tận Mường Muổi (thuộc tỉnh Sơn La ngày nay) gây bao đau thương và tội ác cho người dân Tây Bắc. Sau khi cùng với quân dân cả nước đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Minh (1428) và sau đó năm 1431 Lê Lợi đã cầm quân dọc sông Ðà lên dẹp yên tù trưởng Cát Hãn làm phản và chấm dứt sự ảnh hưởng của nhà Minh, thống nhất bờ cõi đất nước. Sau khi thắng trận (tháng 1.1432) Lê Lợi đã khắc bút tích trên bia đá (bia Lê Lợi) nhằm răn đe những kẻ làm phản nơi phên giậu của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền và thống nhất quốc gia lúc bấy giờ.
Bọn giặc cuồng sao dám trốn tránh. Tội đáng giết.
Dân ngoại biên đã từ lâu đợi ta đến cứu sống.
Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có.
Ðất đai hiểm trở từ nay không còn (bọn chúng nữa).
Hình bóng cây và tiếng gió thổi, hạc kêu cũng làm quân giặc kinh sợ.
Non sông này nhập vào một bản đồ, đề thơ khắc lên núi đá.
Chắn giữ bờ tây nước Việt ta.
… nằm trong quần thể đền thờ vua Lê |
Khi công trình thủy điện Sơn La khởi công Bia Lê Lợi đã được di dời cùng với việc xây mới đền thờ nhà vua tại vị trí cách bia cũ 500m nhưng cao hơn 150m, thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ.
Bản Nà Luồng
Nhờ cảnh đẹp hoang sơ cùng với các giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ lại, bản Nà Luồng, xã Nà Tăm (Tam Đường, Lai Châu) đã trở thành điểm du lịch thu hút khách đến thăm quan.
Theo lời giải thích của người dân địa phương nơi đây, dịch theo nghĩa của tiếng dân tộc Lào thì từ “Luồng” có nghĩa là “con rồng”, “Nà” có nghĩa là “ruộng”. Tương truyền, nơi đây là mảnh đất trù phú, địa hình bằng phẳng có núi non xanh biếc lại có dòng Nậm Mu trong vắt, hiền hòa chảy quanh năm, thuận lợi cho việc cấy lúa, trồng ngô. Cảnh sắc thơ mộng con người lại chân thật, giàu lòng mến khách, nên rồng thường xuống tắm và nằm nghỉ trên bãi ruộng…
Các dịch vụ ăn nghỉ tại bản để phục vụ khách du lịch |
Hiện nay bản Nà Luồng có 94 hộ gia đình, hơn 400 nhân khẩu, 100% dân tộc Lào sinh sống. Nhờ chú trọng việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc nên các phong tục tập quán dường như còn nguyên vẹn không bị đổi thay theo thời gian. Vì vậy, đến với nơi này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi nhà sàn có kiểu kiến trúc 4 mái đặc trưng, hít thở bầu không khí trong lành, được tận hưởng cảm giác bình yên, êm ả nơi núi rừng Tây Bắc và đặc biệt là được giao lưu trò chuyện, hàn huyên tâm sự với những con người chân chất, tấm lòng đơn sơ nhưng nồng hậu. Từ trên cao nhìn xuống, Nà Luồng ẩn khuất trong vạt rừng xanh bát ngát, có mây núi mênh mang, có những thửa ruộng lúa chín vàng óng đẹp đến mê hồn. Khi buổi bình minh, tiếng chim hót vui réo rắt, rồi sau mỗi buổi chiều tà cảnh ấm cúng, sum họp lại rộn ràng trong các ngôi nhà gỗ thưng hữu tình nơi miền sơn cước này.
Đến nay, cuộc sống của người dân bản địa phần lớn còn mang tính tự cung, tự cấp. Các món ăn chủ yếu được chế biến từ những sản phẩm của nhà làm ra như: rau rừng, cá suối nướng, cơm lam… Tuy cách trung tâm huyện lỵ chừng 10km, nhưng rất lâu rồi bà con đã tự trồng rau ăn phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày và góp phần vào việc phát triển du lịch cộng đồng.
Để giữ gìn các làn điệu dân ca, dân vũ, đặc biệt là điệu múa xòe và lăm vông; đã hơn 10 năm nay, người dân trong bản thành lập đội văn nghệ với sự đóng góp công sức của 20 thành viên, thường xuyên mang lời ca tiếng hát để động viên, cổ vũ tinh thần lao động, cầu cho mưa thuận gió hòa, xây dựng cuộc sống văn hóa ở bản làng.
(Ảnh – VNP) |
Các điệu múa xòe, múa trống cùng với việc sử dụng các nhạc cụ truyền thống dân gian như: Trống, chiêng, khèn bè, sáo thường xuyên được tổ chức, đặc biệt là vào dịp Lễ hội Bun Vốc Nặm (còn gọi là Lễ hội Té nước). Để có hàm răng đen bóng, chắc khỏe, mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, buổi tối trước khi đi ngủ phụ nữ Lào lại dùng bột cây “mày tỉu” – một sản phẩm từ rừng được hơ nóng và chà lên răng. Bên cạnh đó, người phụ nữ dân tộc Lào còn duy trì tục lệ ăn trầu.
Bản Hon
Nằm cách thành phố Lai Châu 20km, trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc, đường đi thuận lợi cộng với nguồn tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo, Bản Hon đang dần trở thành một điểm đến ưa thích của hàng ngàn lượt khách quốc tế mỗi năm.
Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bản Hon nằm trên xã Bản Hon gồm Bản Hon 1 có gần 90 hộ và Bản Hon 2 có gần 70 hộ sinh sống. Đây là nơi cư trú của cộng đồng dân tộc Lự và Mông, trong đó, dân tộc Lự chiếm 90%. Điểm đặc trưng ở Bản Hon là nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc, tiêu biểu là kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục và nghề thủ công truyền thống của đồng bào Lự.
Với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng nhưng không làm mất đi nét đẹp văn hóa bản làng truyền thống, du lịch văn hóa cộng đồng Bản Hon được hình thành hy vọng sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước ở Lai Châu.
Bản Vàng Pheo
(Ảnh – VNP) |
Bản Vàng Pheo thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái trắng. Dân bản Vàng Pheo mến khách, cảnh sắc núi rừng thơ mộng, nên đã cuốn hút biết bao du khách đến với nơi này.
(Ảnh – VNP) |
Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 30km, bản Vàng Pheo hiện lên trong một chiều nắng thật đẹp. Bản có vị trí thiên thời, địa lợi, nằm ngay bên núi Phu Nhọ Khọ, ngọn núi được ví như một mĩ nhân. Đây là nơi giao thoa giữa hai dòng suối Nậm So và Nậm Lùm. Vàng Pheo có nhiều ngôi nhà cổ nằm nép mình bên những ruộng lúa xanh trong không gian thanh bình, yên tĩnh.
(Ảnh – VNP) |
Bản Vàng Pheo là nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn cổ, một nét đặc biệt làm nên bản văn hoá. Người Thái trắng ở Vàng Pheo rất hiếu khách. Trẻ em thì lễ phép, người già thì ôn hoà, họ sẵn lòng mời khách dùng cơm, thưởng thức những bữa ăn giản dị, món ăn truyền thống và mang đậm bản sắc riêng như: cá bống vùi tro, cá suối nướng, măng đắng, măng ngọt, thịt trâu sấy, thịt lợn hấp, canh rau đắng và uống rượu bên bếp lửa bập bùng ấm áp.
(Ảnh – VNP) |
Bản Vàng Pheo cũng là nơi có nhiều lễ hội, lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Mỗi lễ hội có một bản sắc riêng như lễ hội: Nàng Han (rằm tháng 2 âm lịch), Then Kin Pang (mùng 10/3 âm lịch), Kin Lẩu Khẩu Mẩu (rằm tháng 9 âm lịch) Lễ hội bản Vàng Pheo có nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: ném còn, đẩy gậy, tù lu. Vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ hội, du khách đổ về đây rất đông để khám phá một không gian Tây Bắc êm đềm và cuộc sống giản dị của đồng bào dân tộc, được hoà mình trong điệu múa, lời ca của đồng bào mà “say tình”, ngây ngất với sắc màu của vùng cao.
Bản Pú Đao
Trên đường vào Pú Đao (Ảnh – vungcao) |
Pú Đao là một xã vùng cao thuộc huyện Sìn Hồ, Lai Châu, cách thị trấn Mường Lay 13 km và Hà Nội hơn 560 km về phía Tây Bắc. Dù địa thế xa xôi, hẻo lánh nhưng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, Pú Đao khá phù hợp cho những ai đam mê khám phá những vùng đất mới.
(Ảnh – vungcao) |
Pú Đao theo tiếng H’Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”, nằm chót vót trên núi cao, vắt ngang mình trên những con đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở. Để đến được Pú Đao, phải đi qua cầu Lai Hà bắc ngang một phụ lưu của sông Đà. Từ đây bạn sẽ thấy bên kia bờ là những ngôi nhà sàn người Thái ẩn mình dưới hàng dừa, khói bốc lên từ mái nhà, len lỏi qua các tán lá và tản mát vào làn sương mờ ảo.
(Ảnh – vungcao) |
Từ cầu Lai Hà đến Pú Đao còn khoảng 24 km đường mòn xoắn ốc với những khúc cua nghẹt thở, xuyên giữa khu rừng đầy những chồi tre và bụi rậm đan xen dày đặc. Trước đây khi qua cầu khoảng 5km, bạn sẽ bắt gặp dinh thự vua Thái Đèo Văn Long, là một phế tích lịch sử của một dinh thự lớn lộng lẫy xa xưa nhưng hiện nay đã nằm sâu dưới lòng hồ thủy điện Sơn La.
(Ảnh – vungcao) |
Khi lên đến “điểm cao nhất” ở Lai Châu cũng là lúc bạn đến với điểm ngắm sông Đà đẹp nhất. Từ đây, bạn còn nhìn thấy những thung lũng ngoạn mục phía dưới, là nơi giao cắt giữa sông Đà và sông Nậm Na với bãi bồi xanh ngát. Sau những phút giây nhìn lại chặng đường đã đi, tuyệt cảnh Pú Đao hiện ra trước mắt với những bản làng nằm cheo leo trên đỉnh núi, xuyên giữa là những con đường quanh co, uốn khúc, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.
(Ảnh – vungcao) |
Xã Pú Đao gồm 4 bản người Mông là Hồng Ngài, Nậm Đoong, Nậm Đắc và Hồng Tý. Bạn có thể sẽ nhầm tên bản Hồng Ngài, trung tâm xã Pú Đao với xã Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La hoặc bản cùng tên ở Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Không chỉ có sân bay dã chiến do người Pháp xây dựng mà Hồng Ngài, Pú Đao ngày nay còn những con đường bê tông kiên cố, sạch sẽ giúp ôtô, xe máy đi lại dễ dàng hơn.
(Ảnh – vungcao) |
Khác với Hồng Ngài, chỉ có xe máy mới vào được Nậm Đoong. Nằm trên điểm cao nhất và đẹp nhất Pú Đao, Nậm Đoong là điểm trekking lý tưởng khi con đường vào bản đi qua những thung lũng chân mây, xung quanh bạt ngàn hoa dại và nương rãy xanh tươi. Hiện nay trong bản cũng chỉ còn vài hộ dân ở lại, toàn bộ cư dân xã đã chuyển ra phía trung tâm huyện để sinh sống
Thác Tác Tình
Tác Tình” từ xưa đến nay vẫn được người dân gọi bằng cái tên thân thương như vậy, nó gắn liền với đời sống vật chất cũng như văn hoá bản địa thường ngày của đồng bào. “Tác Tình” không chỉ đơn giản là tên một con thác mà còn là một truyền thuyết mang âm hưởng tình ca của một đôi trai gái yêu nhau
Không biết từ bao giờ tên gọi “Tác Tình” đã hình thành và tồn tại trong tiềm thức của từng cư dân người Dao nói riêng và tất cả mọi người dân nơi đây nói chung.Theo tiếng Dao thì tác có nghĩa là nước từ trên cao đổ xuống, tình có nghĩa là nước từ trên thác đổ xuống tạo thành một vũng nước trên mặt đất (giống như một hồ nhỏ).
Truyền thuyết kể lại rằng “Xưa kia, từ lâu lắm rồi không ai còn nhớ vào thời gian nào, tại một bản người dân tộc Dao dưới chân thác có một nàng Lở Lan xinh đẹp, vẻ đẹp của nàng được ví như những đoá Lan rừng – đẹp và ngào ngạt hương thơm. Nàng đem lòng yêu một chàng trai trong bản, cả hai thương nhau và quấn quýt như con hươu, con nai trên rừng bên nhau sớm tối. Nhưng hạnh phúc không được bao lâu thì tai hoạ đã ập xuống đầu hai người, tình yêu của họ đã gặp muôn vàn trắc trở, trông gai vì bị kẻ gian âm mưu hãm hại chia cách, không thể nên duyên chồng vợ. Để giữ trọn tình yêu thuỷ chung của mình và lời thề ước giữa hai người, nàng Lở Lan đã trẫm mình xuồng dòng thác. Cảm phục trước hành động của cô gái trẻ, người dân nơi đây đã đặt tên cho ngọn thác là thác Tác Tình để tưởng nhớ đến cô cùng với mong ước tác hợp cho chuyện tình của hai người”
Suối nước nóng Vàng Bó
Nằm trong một bản làng bình yên, có đường quốc lộ chạy qua, hiện nay khu du lịch suối nước nóng Vàng Bó đã được UBND tỉnh quy hoạch trên diện tích 16ha, trong danh mục các dự án được nghiên cứu đầu tư phát triển về du lịch Lai Châu giai đoạn 2006 – 2020. Khu du lịch suối nước nóng Vàng Bó gắn với cụm điểm du lịch Mường So và khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng được quy hoạch trên quy mô 100ha. Phân kỳ vốn đầu tư để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng khung theo 3 giai đoạn (2006 – 2010, 2010 – 2015, 2015 – 2020). Trong đó, suối nước nóng Vàng Bó được xếp vào nhóm điểm du lịch có ý nghĩa địa phương: độc đáo, có khả năng thu hút khách du lịch.
Điểm thuận lợi hơn là suối nước nóng Vàng Bó nằm trong tua du lịch tuyến thành phố Lai Châu – Phong Thổ – Sìn Hồ (theo đường quốc lộ 4D, 12, tỉnh lộ 128); tuyến du lịch liên tỉnh từ Sa Pa (Lào Cai) qua Vàng Bó (Lai Châu) và trở về Điện Biên Phủ thăm các di tích lịch sử. Từ cửa khẩu đường bộ Ma Lù Thàng, Vàng Bó có thể tham gia vào tua du lịch tuyến từ Trung Quốc – Ma Lù Thàng – Phong Thổ – thành phố Lai Châu – Điện Biên Phủ sau đó đi các tỉnh phụ cận.
Cửa khẩu Ma Lù Thàng
(Ảnh – Earth_Walker) |
Cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc xã Ma Li Po, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ma Lù Thàng được coi là mũi nhọn để thúc đẩy nền kinh tế của huyện. Ma Lù Thàng là cửa khẩu cách các trung tâm kinh tế trong nước khá xa, chỉ có thể vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ. Một tồn tại của cửa khẩu nữa là hệ thống giao thông khá yếu chưa đáp ứng được các xe trọng tải lớn.
Động Tiên Sơn
Cửa vào Động Tiên Sơn (Ảnh – Đăng Định) |
Động Tiên Sơn nằm gần kề trên quốc lộ 4D, thuộc địa phận xã Bình Lư – huyện Tam Đường. Nói đến quần thể động là nói đến một chuỗi liên hoàn có tên động xưa là “Đà Đón” hiểu theo tiếng phổ thông là Hang Đá Trắng vì ngay cửa động có vách đá màu trắng, động gồm 49 khoang (49 cung) nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi, càng đi vào sâu thì cung càng lớn, trong động có nhiều thạch nhũ với những hình thù khác nhau, điều đặc biệt là trong động có dòng suối trong vắt chảy qua, uốn lượn quanh trong lòng động tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, thoải mái.
Di tích vua Thái – Đèo Văn Long
Dinh thự Đèo Văn Long nằm ở ngã tư nơi gặp nhau của con sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Trước kia thuộc phường Lê Lợi, TX Lai Châu (cũ) sau khi tách Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, dinh thự Đèo Văn Long thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Theo các tài liệu, Đèo Văn Long là con của Đèo Văn Trị, cai quản mười hai xứ Thái (Sipsong Chuthai). Cuối thế kỷ XIX, Đèo Văn Trị hưởng ứng Hịch Cần Vương, lãnh đạo sắc tộc Thái và một số dân tộc khác vùng Lai Châu nổi dậy chống Pháp. Sau bị dụ dỗ, Đèo Văn Trị đầu hàng Pháp, mở đường cho chúng tiến vào Mường Thanh, được Pháp khôi phục quyền cai trị vùng đất Sipsong Chuthai bên bờ sông Đà, cho phép cha truyền con nối.
Được sự hỗ trợ của Pháp, Đèo Văn Long lên nắm quyền cai trị thay cha, ra sức vơ vét của cải, buôn bán thuốc phiện, lâm thổ sản, hàng hóa, tổ chức những đoàn thuyền lớn lấy sông Đà làm tuyến giao thông chính giao thương với vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành người giàu có nhất vùng.
Dinh thự Đèo Văn Long được xây dựng tại nơi 3 con sông gặp nhau, một vị trí hiểm yếu, sau lưng là núi cao trước mặt là sông rộng, ở vị trí yết hầu đó có thể khống chế được con đường lên Phong Thổ, Sa Pa, Mường Tè và xuôi về Hòa Bình cũng như qua ngả Điện Biên sang Lào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đèo Văn Long mang vợ con chạy sang Pháp. Dinh thự của Đèo Văn Long không có người ở, lâu ngày đã bị đổ nát, trở thành phế tích.
Những gì còn sót lại cho thấy kiến trúc của khu nhà là kết hợp giữa kiến trúc nhà sàn của người Thái với kiến trúc của người Pháp. Khu nhà chính được xây hai tầng bằng gạch đỏ, sàn gỗ, xung quanh ngôi nhà chính là những khu nhà nhỏ dành cho người ở và binh lính, xung quanh là tường bao xây bằng gạch và đá dày trên 40cm, có nhiều lỗ châu mai, cao trên 3m. Trước khu nhà có sân rộng để múa xòe khi tổ chức tiệc tùng. Mái lợp ngói tách ra từ những phiến đá, người dân gọi là đá giấy, lúc mới tách đá mềm có thể dùng dao cắt được, nhưng khi gặp nắng đá trở nên cứng như sành.
Trước đây, tỉnh Lai Châu có dự kiến trùng tu dinh thự Đèo Văn Long, nhưng khi thủy điện Sơn La tích nước vào tháng 10/2010, thì toàn bộ khu dinh thự Đèo Văn Long đã ngập dưới lòng hồ.
Cánh đồng Mường Than
Cánh đồng Mường Than (Ảnh – Huỳnh Phúc Hưng) |
“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Cánh đồng Mường Than của huyện Than Uyên đứng thứ 3 trong số 4 vựa lúa lớn nhất của các tỉnh miền núi phía Bắc với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên tới 2000 ha.
Pu Ta Leng
(Ảnh – Bodyparty) |
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn thuộc xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Pu Ta Leng theo tiếng H’Mông gọi là Pú Tả Lèng, với chữ “Pú” nghĩa là núi. Với chiều cao 3.049m so với mặt nước biển, chỉ đứng sau đỉnh Fansipan (3.413m), Pu Ta Leng còn được mệnh danh là “nóc nhà thứ hai của Đông Dương”, cũng gọi “nóc nhà thứ hai của Việt Nam”.
Không có nhận xét nào